Tuệ Sỹ

Tối trời, còn đó một vì sao

Thích Minh Tâm

Thầy Tuệ Sỹ, người pháp lữ thân thương của tôi đang lâm trọng bệnh, đang chữa trị và hôm qua tôi đến bệnh viện thăm, gặp lúc bác sĩ đang tiêm thuốc để trị bệnh cho Thầy (tràn dịch màng phổi).

Đợi gần 2 giờ đồng hồ mới thăm Thầy được. Ba bác sĩ mới đi ra khỏi phòng thì tôi vào ngay.

Thấy tôi, Thầy cười, nụ cười muôn thuở, nhưng hôm nay nụ cười không trọn vẹn vì Thầy đang đau, quá đau—tôi biết rõ như vậy vì Thầy nói qua hơi thở khó khăn “Muốn cười, mà cười không nổi, đau quá.” Tôi cười giỡn với Thầy “Tiêm thuốc ấy không đau mới lạ, để tôi chữa cho bé khỏi đau, bé nhõng nhẽo lắm nghe!” Tôi ngồi xuống bên cạnh Thầy, vuốt nhẹ vào lưng. Thầy với tay lấy cái gối cúi xuống thở hổn hển. Tôi biết, Thầy đau lắm. Ôi cái lưng của Thầy, toàn là xương, hầu như chẳng còn chút thịt nào. Thầy yếu lắm, Tôi vuốt nhẹ khắp lưng Thầy, thấy lòng mình nhói đau. Thầy vốn đã ốm yếu nay bị bệnh nặng, cơn bệnh quái ác đang hành hạ thân xác Thầy, tiêm thuốc gì đó để ngăn chận bệnh “tràn dịch màng phổi,” đau lắm! Sức chịu đựng phi thường của thầy phải nhăn mặt “muốn cười, cười không nổi” thì biết, cái đau cỡ nào.

Tôi vuốt lưng cho Thầy, mong Thầy bớt đau. Tôi muốn truyền thêm cho Thầy một chút nội lực của mình để Thầy tăng thêm sức chịu đựng chống lại cái đau của thể xác, của thân bệnh, của tứ đại đang dần dần rệu rã trong thân thể của Thầy—một con người ốm o, nhỏ thó mà có một đầu óc vĩ đại, một bộ não phi thường đang ấp ủ một hoài bão siêu việt, đang gánh vác một trọng trách quá nặng với Phật Giáo Việt Nam, với dân, với nước, với chí hướng của Thầy Tổ giao phó.

Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ tịch Hội Đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam: cả hai trọng trách đó, nếu không may Thầy Tuệ Sỹ viên tịch, thì… sao đây, ai thay thế Thầy? Ai có đủ trình độ, có đủ uy tín, đủ bản lĩnh để thay thế, để tiếp tục trọng trách này – Có lẽ có, có nhiều nữa là khác. Nhưng, có ở chức danh, có ở địa vị, có ở hình thức mà thực tài, thực học, thực đức, thực tế thì…, tôi không dám nghĩ tiếp để cho tâm tư, cho sự lo lắng tận đáy lòng, ẩn sâu vào tim óc…

Thầy Tuệ Sỹ ngồi đó, tôi ngồi đây, nhìn Thầy. Tôi nắm tay Thầy, tim nhói đau, thương quá, quý mến quá, vô lẽ, tôi sắp xa Thầy chăng? Tôi sắp mất một viên ngọc quí mà 86 năm giữa đời tôi mới gặp, mới gần gũi để được cộng tác với Thầy…

Trước đây, tôi biết Thầy Tuệ Sỹ, gặp Thầy ở đại học Vạn Hạnh, ở chùa Già Lam, ở các buổi lễ, ở những nơi đã gặp, có thể gặp, qua báo chí, qua sách vở, qua tin tức… Thầy Tuệ Sỹ đã ở tù, tôi cũng ở tù, nhà tù Cộng Sản bỏ tù những người trí thức, những kẻ bất đồng chánh kiến… Tôi khác Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Mạnh Thát là không được đưa ra tòa, không được kêu án, bản án tử hình, bản án chung thân, không ở tù lâu năm như Thầy, như bao nhiêu kẻ sĩ khác. Có điều lạ nhất, trong thời đại này mà ai được ở tù vì bất đồng chánh kiến, vì muốn dân tộc có được tự do, có được dân chủ, tỏ lòng yêu nước chống giặc Tàu xâm lược thì được ở tù, được có danh thơm, được đại đa số dân chúng yêu mến, được thế giới vinh danh, được sử vàng ghi tạc. Phải khách quan tư duy mới thấy điều nghịch lý đó! Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Mạnh Thát, tôi và nhiều người nữa, cùng chung số phận. Nói thật điều này, tôi không ngại hiểu lầm và chỉ mong họ sẽ đổi mới tư duy, biết trọng nhân tài, biết nghe lẽ phải để giúp dân cứu nước!

Thầy Tuệ Sỹ, một con người đặc biệt, đặc biệt nhiều mặt: phong cách sống, trí tuệ siêu phàm, bản lãnh. Thầy sống vì tha nhân, vì bổn phận, có tinh thần trách nhiệm ít ai bằng. Thầy nằm viện như vậy đã hơn ba tuần, ngoại trừ khi mệt, khi ngủ, còn khi thức, khi ít đau Thầy vẫn làm việc: thầy vẫn ký văn thư, thảo quyết định, làm văn bản. Gần Thầy mới thấy được sự hy sinh, tận tụy và năng suất làm việc của Thầy. Trong bệnh viện, đang chữa bệnh, nếu có thể, Thầy vẫn thức giấc nửa đêm để “tọa thiền” tinh tấn trong từng hơi thở. Ở chùa Phật Ân, tôi nhắc Thầy bảo vệ sức khỏe, Thầy chỉ cười, người đời có câu “Chiến đấu đến khô máu.” Tôi thường hài hước với đệ tử Thầy Tuệ Sỹ “Thầy của mấy ông làm việc đến khô máu”. Vì sức khỏe của Thầy Tuệ Sỹ xuống quá thấp, máu chỉ còn 50%. Khi vào viện bác sĩ bắt buộc phải “truyền máu” họ mới dám chữa, để nguyên trạng không ai dám chữa, vì Thầy không chịu truyền máu sợ tổn hại đến nguyên chất. Sau khi thuyết phục, năn nỉ, giải thích của nhiều người Thầy mới chịu truyền máu. Ở Phật Ân, mỗi ngày, 6 giờ, tôi qua ăn sáng với Thầy, trao đổi, thảo luận việc Giáo hội Thống nhất, việc phiên dịch, việc của Gia đình Phật tử, việc tu học của Tăng chúng, việc đào tạo Tăng tài, việc dạy dỗ tín đồ… Chúng tôi ít bàn chuyện thế gian, có những tin tức gì, mới mẻ nhắc qua loa rồi dễ dàng cho vào quên lãng, không vọng tâm tạp thoại.

Hôm qua, đọc một bài của một Phật tử ký tên “Cầu Muối Quang” đang ở Úc, tác giả đã viết một câu “Lo sức khỏe của Thầy Tuệ Sỹ, vì trách nhiệm của Thầy gắn liền với sự tồn vong của Giáo hội Thống nhất”.

GHPGVNTN có nhiều người lo, nhiều người trăn trở, tu sĩ cũng như cư sĩ, ai có nghĩ đến Giáo Hội Thống Nhất, có tâm huyết với sự mất còn của Giáo hội đều lo nghĩ như vậy.

Tôi còn nhớ, đến Úc, đang chuyện trò với Thầy Quảng Ba thì có tin Hoà thượng Đệ V Tăng thống Thích Quảng Độ đang trên đường đáp xe lửa ra Bắc, quê hương Thái Bình. Chúng tôi giựt mình lo cho Giáo hội, lo cho sự an nguy của Hoà thượng Quảng Độ. Rồi bàn với nhau khi về Việt Nam tôi phải ra Thái Bình xem tình hình, sức khỏe của Hoà thượng Quảng Độ rồi tùy hoàn cảnh mà xử sự.

Về Việt Nam, tôi liền ra Thái Bình gặp Hoà thượng Quảng Độ và biết rõ tâm ý của Ngài muốn về lại miền Nam, và thế là với những Tăng Ni và Phật tử tâm huyết kể cả thân nhân của Hòa thượng như cô ĐTTH và LTC.

Hoà thượng Nguyên Lý và chúng tôi nghĩ có sự gia trì của chư Hộ pháp Thiện thần, Hoà thượng Quảng Độ đã về chùa Từ Hiếu an toàn. Đó là điều hy hữu, hiếm thấy. Khi đó, tôi và Thầy Tuệ Sỹ theo dõi từng chặng đường mà Hoà thượng Quảng Độ phải đi qua với nhiều nguy nan chướng ngại. Tôi thì lo lắng bồn chồn nhưng Thầy Tuệ Sỹ vẫn điềm tĩnh, nét mặt có chút trầm tư “mong tâm nguyện của Ngài được như ý”. Tôi nhìn Thầy Tuệ Sỹ lúc này mới thấy “bản lĩnh người lãnh đạo”.

Ở chùa Từ Hiếu một thời gian thì Ngài Quảng Độ già yếu muốn trao trách nhiệm lãnh đạo GHPGVNTN cho ai có tâm, có tầm để thay Hoà thượng khi Ngài viên tịch. Tôi may mắn đến thăm, được Ngài hỏi ý, tôi đã thành thật và dứt khoát góp ý “Hiện tại, ngoài Thầy Tuệ Sỹ thì không có người thứ hai” – H.T Quảng Độ cười rất tươi, rất hoan hỷ, rất tự tại. “Tôi cũng nghĩ vậy, Thầy Nguyên Lý cũng đồng ý như vậy chỉ ngại Thầy Tuệ Sỹ không hoan hỷ nhận lời mà thôi. Nếu có thể Minh Tâm gặp Thầy Tuệ Sỹ dò ý và tác động xem sao.” Vài hôm sau tôi ghé thăm Thầy Tuệ Sỹ ở Thư quán Hương Tích. Tôi chưa mở lời dò ý thì Thầy Tuệ Sỹ đã nói trước “Thầy Quảng Độ muốn tôi thay Thầy để lãnh đạo Giáo Hội vì Thầy đã già sắp về hầu Phật, Minh Tâm nghĩ thế nào? Có nên nhận hay không?”

Tự nhiên tôi ứa nước mắt vì vui mừng, thì ra Ôn Quảng Độ đã ngỏ ý đó với Thầy Tuệ Sỹ trước khi tôi gặp. Không suy nghĩ, không đắn đo, không chần chờ, tôi nói ngay “Thay Ôn Quảng Độ lãnh đạo Giáo hội trong hoàn cảnh hiện nay không còn người thứ hai ngoài Thầy.” Không đợi Thầy Tuệ Sỹ có thái độ nào, tôi nhanh nhẩu bồi thêm ý của mình “Minh Tâm hết lòng hoan nghinh và xin hứa ủng hộ hết mình, nếu Thầy không chê, Minh Tâm xin đem cả tim óc cam kết ủng hộ Thầy đến hơi thở cuối cùng.”

Chúng tôi cùng cười, và sau đó sự giao phó trọng trách lãnh đạo GHPGVNTN đã được Ôn Quảng Độ giao cho Thầy Tuệ Sỹ. Khi nhận trách nhiệm xong Thầy phải đi Nhật để chữa bệnh một thời gian, nên khi Ôn Quảng Độ viên tịch không có Thầy ở Việt Nam. Chúng tôi, những thành viên trung thành của Giáo hội Thống nhất cùng nhau lo tang lễ và nhận sự chỉ đạo của Thầy Tuệ Sỹ dù Thầy đang chữa bệnh và ở xa.

Khi ở Úc về, trước khi ra Thái Bình gặp Ôn Quảng Độ, do Hoà thượng Nguyên Lý và cô ĐTTH cùng sự giúp đỡ của nhiều người, tôi gặp Thầy Tuệ Sỹ để hội ý. Cùng một phong cách, một thái độ điềm tĩnh, Thầy nghe tôi báo trình sự việc, nhìn hình ảnh và lời yêu cầu của Ôn Quảng Độ mà tôi đã ghi lại có hình ảnh và âm thanh. Thầy Tuệ Sỹ im lặng với một phong cách cố hữu, tư duy chín chắn rồi mới đưa ra quyết định.

Cộng tác với Thầy Tuệ Sỹ, tôi thật sự học hỏi nơi Thầy khá nhiều điều mà tôi còn thiếu kém, nên trong mấy mùa An Cư kiết hạ, tôi thỉnh Thầy dạy cho đại chúng để tôi có cơ hội làm một học viên dù đã trên 80 tuổi.

Phải khách quan nhìn rõ một điều khi hành sự Thầy Tuệ Sỹ với tài ba siêu tuyệt như vậy mà rất khiêm cung hơn cả những người khiêm cung khác mà tôi biết. Đặc biệt trong việc cung thỉnh chư Tôn đức để thành lập Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đã hơn 2 năm, thư qua thư lại giải thích mời mọc là cả một vấn đề để Phật sự thành tựu hoàn toàn không dễ.

Ôn Quảng Độ giao trọng trách lãnh đạo GHPGVNTN cho Thầy Tuệ Sỹ trước khi viên tịch: một lựa chọn sáng suốt và hết sức đúng đắn. Giao việc chứ không phải giao chức vụ nên Thầy Tuệ Sỹ rất dè dặt cho đến khi Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương đảnh lễ suy cử Thầy Tuệ Sỹ chính thức giữ chức vụ Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống. “Danh có chánh ngôn mới thuận” và chỉ sau một ngày lễ trao và khai ấn tín Viện Tăng Thống chính thức cử hành tại chùa Từ Hiếu, Thầy Tuệ Sỹ mới thực sự bắt tay làm Phật sự không còn e ngại nữa.

Tôi viết những dòng chữ này khi Thầy Tuệ Sỹ đang trong tình trạng “nhất sanh thập tử”, tôi chỉ mong Hộ pháp Thiện thần gia hộ, hồn thiêng sông núi hộ trì Thầy khỏe thêm một thời gian nữa để kiện toàn cơ cấu của Hội đồng Lưỡng viện, còn việc sống chết thì chẳng có gì phải bận tâm; nhưng trong trường hợp này quả thật cần và rất cần sự có mặt của Thầy Tuệ Sỹ.

Thích Minh Tâm
Phật Ân Tự, ngày 01.10.2023

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ, Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Nguyễn Mộng Giác
Nguyễn Thanh Bình
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ
Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
xem tiếp đề mục: