Tuệ Sỹ

Chương III

Lịch nghiệm kỳ cùng cuộc lữ

Tuệ Sỹ

(…)

Đài Thành một thuở Thi Thơ
Xe Vàng còn mộng quanh tà áo Thu
Tóc Mai về, sương Ngô điểm mái
Thân tàn như cỏ dại bờ đê
Đăm đăm từ giã Kinh Kỳ
Lao đao thần tử miền quê lạc loài

(Thơ của Lý Hạ, Tuệ Sỹ dịch)

1

Tống Huệ Tông, Thiệu thánh nguyên niên, giáp tuất (1094), ông 59 tuổi, bị đày xuống Huệ châu.

Năm trước, ông đang giữ chức Đoan minh điện học sĩ kiêm Hàn lâm viện Thị độc. Huy Tông vừa lên ngôi mà mầm họa lớn đã chớm nở tại triều đình. Lại thêm một lần muốn tránh tai họa không lường, ông xin ra làm thái thú Định châu. Nhưng đến năm sau, bị giáng chức, phải đổi đi Anh châu; đi chưa đến nơi, bị cách chức tuốt luốt, đày xuống Huệ châu.

Bước ra đi, với người tiễn khách, thơ ông gửi Sâm Liêu Tử:

Mạc ngôn Tây Thục vạn lý
Thả đáo Nam hoa nhất du
Phù bịnh giang biên tống khách
Trượng noa phố khẩu hồi đầu

Đường Tây Thục đã là hiểm trở;
Miền Nam hoa một chuyến càng ghê.
Người gượng bịnh bên dòng tiễn khách;
Gậy cầm tay, phố khẩu ngóng về.

Ai đã từng đọc bài thơ “Đường vào đất Thục” của Lý Bạch, phải biết cái hiểm trở kinh người nó mang những sắc diện hãi hùng như thế nào. Thì đường đi Nam hoa của ông, thử một lần mới biết; với đường vào đất Thục, mối kinh tâm động phách cũng ra ngoài tưởng tượng. Cuộc tiễn chân, ẩn chứa bi hùng trong nỗi trầm tư lữ thứ.

Tháng 8 năm đó, thuyền ông đỗ bến Kim lăng, gặp giông tố, lời thơ ông vọng về mấy người bạn xa xôi:

Kim nhật giang đầu thiên sắc ác
Pháo xa vân khởi phong dục tác
Độc vọng Chung sơn hoán Bảo công
Lâm giang bạch tháp như cô hạc
Bảo công cốt lãnh hoán bất vân

Sắc trời như sụp xuống đầu sông. Xe bay mây nổi gió đùng đùng. Chỉ còn nước vọng về Chung sơn mà réo gọi Bảo công. Giữa rừng, ngôi tháp  trắng lẻ loi như cánh hạc; Bảo công xương lạnh, réo không nghe.

Rồi ngang qua Lô sơn, trời mây bỗng cuồn cuộn, như long trời như lở núi. Ông kêu gọi thần linh yễm trợ:

Ngũ lão sỗ tùng tuyết
Song khê lạc thiên đàm
Tuy vân mặc đảo ứng
Cố hữu di văn tàm

Ngọn Ngũ lão, đã có lần chào đón ông trong phong vận tài tử, và những con suối từ cao đổ xuống trước kia chúng kiêu hùng cho tài hoa thưởng ngoạn. Bây giờ, trông xa xa, Lô sơn bỗng là những biến tượng đọa đày. Chân diện mục đã một lần như vén mở, nhưng vén mở rồi khép lại từ nào, mà trong bước đường Lữ thứ bây giờ, trời Lô sơn trở thành khổ lụy nhân sinh đổ ào xuống.

Lại cái màu xanh biếc kia nữa. Màu xanh biếc của ngọn Nga mi, màu xanh trong những phương trời đồng vọng quê hương thuở xưa. Trong những ngày đó, ngọn Nga mi xanh biếc giữa bầu trời là tình tự đầm ấm của quê hương. Nhưng bây giờ, màu đó một lần chợt thoáng qua giấc mộng cũng đủ gây ra vô số đoạn trường:

Thanh khê diện chuyển thất vân tung
Mộng lý do kinh thúy tảo không

Suối trong sấm sét dậy, sụp đỉnh mây ngàn
Chiêm bao còn hãi, núi biếc quét lưng trời.

Cho đến giữa tháng tám, ngày mồng bảy, ông vào Cống châu ngang qua thác Hoàng khủng. Thì nơi đây, thơ đột ngột hiện lên những lời của viễn mộng:

Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân
Thập bát than đầu nhất diệp thân
Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng
Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần

Hai thứ tóc người đi ngoài bảy nghìn dặm;
Một thân côi thác đổ xuống mười tám ghềnh
Núi nhớ Hỉ hoan, đọa đày viễn mộng
Đất tên Hoàng khủng, lệ khóc cô thần.

2

Trên đường đi tới Huệ châu, ông gặp chùa Thiên trúc, ghé lại thăm, gặp bút tích của Lão Tô, ông làm thơ và tự viết lời dẫn:

Tôi năm 12 tuổi, tiên quân từ Kiểng châu về nói với tôi rằng: Gần thành, trong núi có chùa Thiên trúc, có bài thơ của Bạch Lạc Thiên tự tay viết:

Nhất sơn môn tác lưỡng sơn môn
Lưỡng tự nguyên tùng nhất tự phân
Đông giạn thủy lưu tây giạn thủy
Nam sơn vân khởi bắc sơn vân
Tiền đài hoa phát hậu đài kiến
Thượng giới chung thanh hạ giới văn
Diêu tưởng ngô sư hành đạo xứ
Thiên hương quế tử lạc phân phân

Một sơn môn làm thành hai sơn môn;
Hai chùa vốn từ một chùa phân;
Suối tây con nước chảy về đông;
Núi nam mây nổi, núi bắc vần.
Đài trước hoa nở đài sau thấy;
Chuông khua thượng giới hạ giới rền.
Tưởng tượng thầy ta, chốn hành đạo
Hương trời quế núi bay lênh đênh.

Bút ký kỳ dật, dấu vết như mới, nay đã 47 năm rồi.

Tôi đến hỏi thăm, thì thơ đã mất, chỉ còn tấm đá khắc mà thôi. Ngậm ngùi nước mắt chảy, nên làm bài thơ đó.

Bài thơ ông như thế này:

Hương sơ cư sĩ lưu di tích
Thiên trúc thiền tăng hữu cố gia
Không vịnh liên châu ngâm diệp bích
Dĩ vong phi điểu thất kinh xà
Lâm thâm dã quế hàn vô tử
Vũ ấp sơn khương bịnh hữu hoa
Tứ thập niên tiền chân nhất mộng
Thiên thai lưu lạc thế hoành tà

Hương sơn cư sĩ lưu di tích;
Thiên trúc thiền sư có của nhà.
Chuỗi hạt lần không, mòn vách đá;
Chim ngàn biền biệt, rắn chuồn xa.
Mùa lạnh, rừng sâu còn quế dại;
Người đau, mưa núi đượm gừng tra (già).
Bốn bảy năm rồi như mộng ảo,
Ven trời đổ lệ đọa đày xa.

Thơ như thế là đồng vọng của cõi đời trầm mặc. Nhưng tình thơ nồng đượm khôn cùng, cho nên những tiếng thì thầm của lịch sử tồn sinh ngân vang khúc đoạn trường khổ lụy. Rừng núi thâm u, tiếng lần chuỗi của thiền sư trong nỗi đời trầm lặng cô liêu mà cũng trở thành những tiếng vang dậy, thì cánh chim đang ngơ ngác cũng giật mình sửng sốt bay đi, con rắn đang cuộn tròn trong hóc đá cũng hoảng sợ chuồn mất. Tiếng đó là tiếng gì mà nghe nó kỳ dị như thế, nếu không là âm hưởng trầm trọng của thảm họa hoành sinh tràn đầy trong cuộc Lữ, cuộc Lữ của tồn sinh mộng ảo?

3

Từ Quảng châu ra đi, còn cách Huệ châu đất trích khoảng một trăm cây số nữa. Trên đường đi ngang qua La phù sơn. Trước thời nhà Đường, đất này trực thuộc Giao chỉ. Đời Đông Tấn, có Cát Hồng, tự xưng Tiểu Cái Tiên ông, và tự hiệu lả Bảo Phúc Tử, nghe đồn Giao chỉ có nhiều đan sa, nên dẫn gia đình đến đấy để luyện đan. Ông ấy ngụ và chết luôn tại La phù sơn này, chưa nếm được tiên đan trường sinh bất tử. Theo lời chú của ông, thơ Lưu Mộng Đắc có kể, tại La phù, nửa đêm có thể thấy mặt trời, và ông cho là chuyện lạ. Núi có hai lầu đá, chùa Diên tường ở lầu nam; động Chu minh ở phía sau Xung hư quán, được coi là động trời thứ bảy của cõi Bồng lai. Sau quán Xung hư có đàn Triều đẩu, tức đàn ngắm sao, của Chư Minh chân nhân. Gần đàn, ông lượm được sáu con rồng bằng đồng và một con cá cũng bằng đồng. Trong núi có thiết kiều, tức cầu sắt, và thạch trụ; ông nói, ít ai đi tới những chỗ đó. Tuốt trong núi sâu, có khe suối, có con cọp câm đi tuần sơn thường lai vãng đó.

Tại đây, ông làm bài thơ:

Nhân gian hữu thử bạch ngọc kinh
La phù kiến nhật kê nhất minh
Nam lâu vị tất Tề nhật quán|
Uất nghi tự dục triều Chu minh
Đông pha chi sư Bảo Phác lão
Chân khế tảo dĩ giao tiền sinh
Ngọc đường kim mả cửu lưu lạc
Thốn điền xích trạch kim qui canh Đạo
Hoa diệc thường đạm nhất tảo Khế
Hư chính dục cưu tam bành
Thiết kiều thạch trụ liên không hoành
Trượng lê dục sấn phi nhu khinh
Vân khê dạ phùng ám hổ phục
Đẩu đàn trú xuất đồng long nanh
Tiểu nhi thiếu niên hữu kỳ chí
Trung tiêu khởi tọa tồn Huỳnh đình
Cận giả hí tác Lăng vân phú
Bút thế phảng phất Ly tao kinh
Phụ thơ tùng ngã cái qui khứ
Quần tiên chánh thảo tân cung minh
Nhữ ưng nô lệ Thái Thiếu Hà
Ngã diệc quí mạnh Sơn Huyền Khanh
Hoàn tu lược báo Lão Đồng Thúc
Doanh lương vạn lý tầm Sơ Bình

Bài thơ kèm theo một số chú thích của chính ông. Ở đây, hãy ghi lại một ít chú thích đó:

Đạo hoa: Đời Đường, đạo sĩ ở Vĩnh lạc, tên Hầu Đạo Hoa, uống vụng thuốc tiên của Đặng Thiên Sư rồi trốn đi. Ở Vĩnh lạc có thứ táo không hạt; chỉ một mình Đạo Hoa có chứ không ai có. Tôi (lời ông) ở Kỳ hạ có lần ăn được một quả.

Khế Hư: Tăng đời Đường. Khế Hư gặp người dẫn chơi phủ tiên ở Trí sơn; Chân Nhân hỏi: “Ông tuyệt hết tam bành trong lòng chưa?” Khế Hư không đáp được.

Tân cung minh: (lời chú này của riêng người soạn sách): Quần tiên mỗi khi dựng xong cung điện, cần phải có một bài minh, để ghi khắc. Chuyện nhà thơ Lý Hạ: Lý Hạ chết yểu (26 tuổi); nửa đêm về báo mộng cho mẹ, nói thượng giới vừa dựng xong một cung điện, thiếu người viết bài minh, nên Ngọc đế sai người xuống trần triệu Lý Hạ lên.

Thái Thiếu Hà: (lời chú của ông): Đời Đường có người nằm mộng thấy viết bài Tân cung minh, nói: “Từ Dương Chân nhân Sơn Huyền Khanh, đại lược:

Lương thường Tây lộc
Nguyên trạch Đông tiết
Tân cung hoằng hoằng
Sùng kiên nghiệt nghiệt

Lại có Thái Thiếu Hà mộng người sai viết bia, đại lược: “Công trình thừa ngư xa, kim lý thuy vân, xúc không ngưỡng đồ, ỷ lạc luân khôn”. Dưới hết đề: Ngũ vân thư các Thái Thiếu Hà thư.

Đổng Thúc: ông tự chú: Tử Do còn có tự là Đổng Thúc.

Nhân gian sao có kinh Bạch ngọc
Phù sơn canh ba thấy mặt trời
Lầu nam chưa chắc quán Tề nhật (cao bằng mặt trời)
Khúm núm như muốn chầu Chu minh
Thầy Đông Pha là lão Bảo Phác
Chân Khế là bạn giao du đời trước
Nhà vàng cửa ngọc lưu lạc từ xưa
Tấc vườn thửa ruộng nay về cày cuốc
Trái táo Đạo Hoa đã từng thưởng thức
Tam bành Khế Hư ruột vẫn đeo mang
Cầu sắt trụ đá kéo bắc ngang không
Lê cao nghều nghệu muốn leo như khỉ
Đêm gặp cọp rình nơi suối Vân khê
Ngày bắt nanh rồng trước đàn
Triều đẩu Trẻ con nhỏ tuổi có chi lạ
Nửa đêm dậy đọc kinh Huỳnh đình
Vừa rồi làm chơi bài Lăng vân phú
Bút thế từa tựa Ly tao kinh
Cắp sách theo ta về nhà gấp
Quần tiên đang thảo Tân cung minh
Mi làm đầy tớ Thái Thiếu Hà
Ta cũng xấp xỉ Sơn Huyền Khanh
Lại đến tin sơ chủ Đồng Thúc
Chứa lương vạn dặm tìm Sơ Bình.

4

Ngày 2 tháng 10 năm đó, giáp tuất (1094), ông đến Huệ châu. Cảnh vật trông quen thuộc như từng đã thấy một lần đâu đó, trong mộng. Đến đây thì Tô Vũ cũng sẽ nguyện suốt đời chăn dê, không mong trở về Bắc mạc nữa. Và Quản Ninh cũng sẽ vĩnh viễn ẩn thân nơi cõi Liêu đông, không bao giờ trở vào lục địa chen chân với đời.

Phảng phất tằng du khởi mộng trung
Hân nhiên kê khuyển thức tân phong
Lại dân kinh quái tọa hà sự
Phụ lão tương huề nghinh thử ông
Tô Vũ khởi tri hoàn Mạc bắc
Quản Ninh tự dục lão Liêu đông
Lĩnh nam vạn hộ giai xuân sắc
Hội hữu u nhân khách ngụ công

Phảng phát từng quen há mộng ư?
Chó gà ríu rít đến chào ta
Lại dân lạ hỏi chuyện gì thế?
Phụ lão dìu nhau đón lão già
Tô Vũ nào mong về Bắc mạc
Quản Ninh từ nguyện cõi Liêu xa
Lĩnh nam đầy rượu vui ngày tháng
Đất trích nhà quan đọi tuổi già.

Cuộc Lữ từ đây cứ cho đi vào cõi mộng không lời. Khách Lữ thứ chọn đất trích làm quê hương. Những gì còn đồng vọng, là những tiếng đồng vọng ngoài kia, của mấy phương trời viễn mộng.

5

Bây giờ đã thấy lại mảnh trăng non, và cây ngô đồng thưa lá. Cõi thơ không nằm nguyên ở đó nữa. Chúng vẫn phơi trần ra đó, chịu đựng tuyết sương băng giá của ngày tháng phiêu du, nhưng âm vang của chúng đồng vọng ở ngoài kia, ngoài những ven trời vạn dặm; ngoài đó là cánh chim hồng, lẻ loi, và bay bổng giữa mấy triệu phương trời lồng lộng. Từ cõi mộng đơn sơ, đến cái cõi của đọa đày viễn mộng, có hố thẳm tuyệt mù, chơi vơi không đáy. Bên này và bên kia, được nối liền bằng một chiếc cầu độc mộc cheo leo. Làm sao để đi qua, và đi lại, bằng hai chân nặng trĩu của hạng phàm phu tục tử? Một cuộc lữ hành như thế, phải trải qua biết bao là gian khổ, dù nơi đi và chỗ đến chỉ cách nhau trong một móng tâm. Đọa đày viễn mộng là ở chỗ đó ư? Nhưng sao lại đọa đày viễn mộng? Phải chăng tiếng đó chỉ mới vang dội, từ một lão đại thần, lôi thôi thê tử, khúm núm dắt nhau chịu đày ải đi về những vùng cùng cực của Nam hoa, hay đi vào tận chốn sơn cùng lộ tuyệt của một đời sống chết? Bơ vơ nơi khách địa, thì tình cố quận và tình tha hương, cả hai đều thắm thiết. Nhưng cố quận thì đâu không là cố quận, và tha hương thì nơi nào lại chẳng phải là tha hương. Đứng bên này mà vọng đến bên kia, con mắt cứ mỏi mòn trông đợi. Thế là lao tâm khổ tứ, là quằn quại hình hài. Nơi ngọc đường kim mã, mộng bình sinh như đã cực đỉnh tang bồng. Nói năng thì như gươm Tần xẻ tóc, và rủ hai tay xuống thì lịch sử trào ra. Đẩy một vạn người bước tới, kéo một vạn người bước lui. Lên núi thì núi rừng cũng biến thành biển lửa. Đưa con mắt hùng thị bốn phương trời, bỗng thấy nước lũ Trường giang đỏ xuống:

Giang sơn như họa
Một thời hào kiệt anh hùng.

Ngọc đường kim mã bỗng vang lên những tiếng gào thét đoạn trường. Chim bỗng giật mình tung cánh bay cao. Biết nơi nào là cố quận, nơi nào là tha hương, để chim bằng đậu lại:

Trạch tận hàn chi bất khẳng thê
Tịch mịch sa châu lãnh

Đường ra đi, qua trăng ngàn, qua gió bãi, mây vần vũ, núi non sụp xuống, nắng chiều đỏ như máu. Đau khổ, kinh hoàng, nên kêu réo, nên ngậm ngùi, và uất hận:

Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng
Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần

Đất khách là mười tám cái ghềnh thác kinh hoàng đổ xuống; nước mắt của một lão thần cô quạnh cũng đổ xuống. Nhưng đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương với ân tình thắm thiết kia mới thực sự là đọa đày viễn mộng:

Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng
Đất tên Hoàng khủng lệ khóc cô thần

Trên đường vào Nam, ngang qua chùa Nam hoa, ông ghé lại chùa và làm thơ:

Ngã bản tu hành nhân
Tam thế tích tinh luyện
Trung gian nhất niệm thất
Thọ thử bách niên khiển
Khu y lễ Chân Tướng
Cảm động lệ vũ tản
Tá sư tích đoan tuyền
Tẩy ngã ỷ ngữ nghiễn.

Ta vốn người tu hành
Ba đời dày tu luyện
Nửa chừng một niệm hư
Trăm năm đày đọa khiến
Xốc áo lễ Chân Tướng
Cảm động lệ mưa tuôn
Ngọn suối đầu gậy sư
Xin rửa nghiên ý ngữ

Ông nói mượn dòng suối trên đầu gậy Thiền của sư, để rửa sạch cái nghiên mực ý ngữ, nói láo hay nói thêu dệt, của ông. Nhưng, ông ý ngữ như thế nào? Ông làm thơ, lời thơ ông thanh cao thần thánh. Ông làm quan thì lời quan của ông bộc trực thanh liêm. Đó là những lời nói đẹp đẽ; vì đẹp nên là ý ngữ ư? Có thể như thế, và chắc chắn không là như thế. Nhưng, ông làm quan thì lời quan nó đày đọa đời quan của ông. Ông làm thơ thì lời thơ nó đày đọa trời thơ của ông. Lời thơ của ông thì những là… Hỉ hoan lao viễn mộng. Lời quan của ông thì những là… Hoàng khủng khấp cô thần. Cả hai cũng đày đọa thân và tâm của ông. Nếu rửa sạch những thứ đó đi, chắc gì đã không là một cõi đọa đày khác nữa:

Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ
Thượng hiềm thế phát hữu thi ban

Tâm thiền không lời, cái đó ông hâm mộ rồi. Nó cũng trong phương trời viễn mộng của ông, nhưng đạo thơ có lời, cũng là phương trời viễn mộng của ông. Không phải ông bị đày đọa vì bị ray rứt giữa hai đường. Cái đó dành cho tục tử, chứ không hề có nơi cốt cách cao kỳ tuyệt diệu như ông. Nhưng cả hai cái đó, thắt chặt rồi buông lơi, như một cuộc giao tình đến để rồi đi; cả hai đưa nhau, đẩy nhau, đưa đẩy mãi lên mấy từng trời cao diệu, trên những phương trời viễn mộng; đưa đẩy nhau cho đến cùng tuyệt càn khôn trong bất động, trong vô ngôn; trong phương trời đọa đày viễn mộng. Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng đó cũng đơn sơ như cõi mộng ban đầu; ban đầu từ một gương mặt trong ngọc trắng ngà không son phấn, rã cánh hồng mà nụ vẫn còn tươi, cho tình lên cao vút với mây trời trong nắng sớm:

Tố diện thường hiềm phấn uyển
Tẩy trang bất thốn tàn hồng
Cao tình dĩ trục hiểu vân không
Bất dữ lê hoa đồng mộng

Sau hết, và như là bắt đầu, thấy lại nó đơn sơ như mảnh trăng non và cây ngô đồng thưa lá.

Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim nhạn, một cánh chim hồng, ngoài ven trời vạn dặm.

Tuệ Sỹ
Mục lục

một số tác phẩm

của Hoà thượng Tuệ Sỹ

xem tiếp đề mục: