Tuệ Sỹ

Lời dạy cuối cùng của Thầy!

Thích Nữ Diệu Như

Vào lúc, 4 giờ AM ngày 26 tháng 10 năm 2023 tại Quận 2 Sài Gòn. Thầy dạy rằng:

“Trong vòng một tháng nữa Thầy sẽ ra đi, Thầy đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Các con dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải nhớ đi bằng đôi chân và nhìn bằng đôi mắt của chính mình. Khi Thầy đi rồi, có buồn thì buồn ít thôi. Sách của Thầy để lại nhiều lắm, hãy siêng đọc sách, học hỏi và nghiên cứu mà tu tập. Mỗi lần đọc sách, nghiên cứu…, in như Thầy đang hiện hữu vậy đó. Đọc sách và tu tập cho mình, tức là giúp cho mọi người”.

Thầy đã dự tri thời chí. Nên ai có duyên đến hầu thăm Thầy, cũng đều được Thầy báo trước.

Lời dạy của Thầy, tuy đơn giản, ngắn gọn. Nhưng ánh mắt của Thầy, như đang chứa trọn nỗi thấu cảm và lời khuyến tấn cho từng từng lớp lớp học trò của Ngài. Thầy đã làm tròn trách nhiệm của một Bậc Thầy Đại trí, Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Thầy đã để lại cho chúng con và Nhân loại một kho tàng tri thức đồ sộ. Ngôn từ bút pháp trần gian, làm sao diễn tả hết công hạnh kỳ vĩ của Người. Lời Thầy dạy thắm tình đạo vị, thấm đậm tình người. Truyền lại cho chúng con, như một lời Pháp Ngữ phải luôn mang theo mình:

Mỗi người nên tự tô bồi cho mình tính dũng khí, chăm bón vườn tâm, làm cho ngôi nhà chung của Phật giáo ngày thêm xinh tươi”.

Lại nữa Thầy dạy, người không có chân lý sống, người không áp dụng Pháp hành của Phật Đà, thì khổ đau sẽ theo sau. Quả thật, chúng sẽ có mặt trong từng sát na. Với bất kỳ ai, kể cả những người được xem là may mắn nhất, dù vinh hoa phú quý, dù lắm địa vị cao sang, dù quyền lực cao nhất.

Thầy lại dạy, sống phải nên có định hướng rõ ràng, tự xác định hướng đi cho chính mình. Sống là vì cộng đồng, sống là nên lấy lý tưởng Giải thoát Giác ngộ làm mục đích Cứu cánh. Lời Thầy dạy, như hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang chìm đắm trong đêm trường mộng, như lời nhắc nhở với những ai chưa làm tròn trách nhiệm, chưa từng sống trọn vẹn với bổn phận của một người đệ tử Phật.

Thầy còn dạy thêm! Để cho tín đồ ngày càng thâm tín Đạo Phật, thì mỗi người nên dành thời gian góp phần vào việc Giáo dục, Hoằng pháp, Dịch thuật, Nghiên cứu… tuỳ theo năng lực của mỗi người mà thực hành. Nhằm xây dựng niềm tin cho quần chúng và mở rộng kiến thức Phật pháp, cho Tín đồ Phật tử khắp nơi trên Thế giới. Đây là nhu cầu thực tế, là sự phát triển lành mạnh của Phật giáo trong bối cảnh Xã hội hiện tại.

Trách nhiệm của một vị Tăng Sĩ, được xây dựng trên sự phát triển tổng thể của Phật giáo, việc hoàn thiện khả thi hay không? chỉ có sự hoà hợp sức mạnh của tứ Chúng, chỉ có những người cùng chung lý tưởng Đạo Phật, mới có thể biến thành hiện thực. Chỉ có những người cùng chung quan điểm, nơi nào cần thì ta đến, nơi nào khó thì ta bước vào, nơi nào không cần nữa thì ta thong dong quay về sống với triết lý riêng của mình. Phải thấy rõ được tự tính của các pháp.

Ngoài có phương pháp kết nối và xây dựng tinh thần Đại chúng bằng phương pháp Lục Hòa Kính.

Trong cần áp dụng Pháp hành của Giáo lý Phật Đà, để tự thân chứng nghiệm. Được như vậy, thì sự nghiệp Tu Sĩ Phật Giáo mới không bị mai một. Hãy đem năng lực thực tiễn của chính mình và ánh sáng Từ Bi Trí Tuệ của Đức Phật, thắp sáng cho thế gian này!.

Kính Bạch Giác Linh Thầy!

Mỗi câu, mỗi chữ của Thầy là bài pháp vô giá, lưu lại cho chúng con luôn luôn ý thức rằng: “Hãy sống thật với một Tu Sĩ đúng nghĩa, hãy sống trọn vẹn với Lý tưởng của người Xuất gia”.

Pl- 2567
Hoa kỳ, Atlanta Ngày 25 tháng 11 năm 2023

Khế thủ
Đệ tử

Thích Nữ Diệu Như
Nguồn: Web Hoằng Pháp – hoangphap.org  (truy cập: 11/12/2023)

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
xem tiếp đề mục: