Tuệ Sỹ

Hiu hắt bụi đường đôi chân không mỏi

Thích Nguyên Siêu

Hai người bạn chân tình đã có nhau từ thuở nhỏ. Một người theo thiên bẩm thi phú tài hoa, văn chương lỗi lạc, tư tưởng như sâu thẳm đại dương… Một người thì lục lạo, sưu tra lịch sử meo mốc, bị bỏ quên trên những bảng gỗ, chùa hoang, dân dã… Thời bình thì cũng sống chung với nhau trong từng bữa ăn, trong từng thời giờ làm việc. Trong từng buổi giảng nơi các Tự viện, Phật học viện, Tòng Lâm, Đại Tòng Lâm… Tư tưởng vị nào cũng dồi dào, hùng mạnh như thác đổ giữa rừng khuya. Rồi cho đến thời gian bị tù đày biệt xứ thì hai người bạn chân tình cũng đồng cảnh ngộ ở tù xà lim, hay nơi miền rừng sâu nước độc để lãnh lấy bản án tử hình, hay hai mươi năm tù ở nhưng cả hai đều chẳng sợ, vẫn ngẩng cao đầu và đối mặt với hiểm nguy.

Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đi đầu đoàn cung nghinh Giác Linh Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ trong lễ Nhập Kim Quan ngày 25/11/2023. (Hình: Hội Đồng Hoằng Pháp)

Một người bạn là Đạo Sư trên các nẻo bụi đường hoang vu thăm thẳm, cánh rừng già, bên vệ đường chiều tà buông phủ như kẻ lữ hành đường dài hun hút… không mệt mỏi tâm nguyện kiên định bất thối: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.” Còn người bạn kia là Thiền Sư. Người đã từng nói dí dỏm: “Tui chỉ thua Bồ Đề Đạt Ma bộ râu thôi.” Đạo Sư, Thiền Sư gặp nhau nơi bụi đường hiu hắt đó. Bụi đường của trần gian, hiu hắt của cuộc đời. Thiền Sư ngồi viết lịch sử trong dáng dấp chiếc quần đùi, áo thun ba lỗ mộc mạc, đơn sơ, trông chẳng là gì của nhà sử học uyên bác, mà hôm nay tất cả con người đều cúi đầu kính phục. Đạo Sư trong chiếc áo vạt hò, bạc màu thời gian, cặm cụi dịch kinh, làm thơ, đánh đàn:

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn.
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.

Đạo Sư vẫn tự tại. Tự tại như bao lần thõng tay vào chợ, hòa quang đồng trần để lấm bụi đường mà đôi chân không mỏi. Chưa bao giờ biết mỏi giữa quê hương nghiệt ngã, khốn cùng. Bụi đường có lấm chân nhưng Đạo Sư, Thiền Sư vẫn sống bên nhau. Sống như đôi bạn chí thân được nứt ra từ lòng Mẹ, để rồi chơi với nhau và cùng lớn như nhau. Mỗi người bạn có một cái đầu. Cái đầu của Đạo Sư đúng như tên gọi. Cái đầu của Thiền Sư cũng chẳng khác. Mái tóc phủ vầng trán thông minh. Vầng trán đó đã cho đời một gia tài sử học thời đại vượt thời gian.

Hôm nay, ngồi xem lại hình ảnh hai người bạn Đạo Sư và Thiền Sư mà rúng động cả lòng, mà đau thương tận ruột, mà nghẹn lời trong cảnh kẻ ở người đi. Hình ảnh ấy là Đạo Sư mặc Pháp phục, y hậu trang nghiêm, chắp tay lễ Phật sơ sinh, dục mộc, nhân ngày Phật Đản. Thiền Sư không khác, chỉ khác mái tóc và bộ đồ. Nhưng có sá gì ngoại hình sắc tướng, chứng đạo Thiền là “trực chỉ nhơn tâm.” Đôi bạn thân thiết quá. Thâm tình quá. Lý tưởng quá, khó ai tìm thấy được có nơi đâu trên mặt đất hoang vu, hiu hắt này.

Đạo Sư, Thiền Sư đang ở trong nhà tù thời đại. Phương tiện để ở. Thị hiện để ở, hiện thân như bao nhiêu kẻ tù. Đạo Sư, Thiền Sư ngồi bên nhau trong tù mà thấy đầy vẻ an nhiên tự tại. Vô phiền không nhiệt. Trong ba cõi đâu chẳng là nhà. Bồ Tát lấy bụi đường làm bạn, lấy hiu hắt làm thân thích nguồn sống vô tận. Ngồi tù để nhớ lại lúc còn bên nhau dưới mái Đại Học Vạn Hạnh phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, đường Võ Di Nguy Phú Nhuận. Một bữa cơm trưa dưới tàng cây mận, Thiền Sư nói: “mình sinh ra đời có duyên đi tu đã đành, nhưng phải học giỏi, bằng cấp có đủ để làm Thầy giáo dục, thế hệ con em”… Đạo Sư nghe, để chén cơm xuống nói nhỏ nhẹ, nhưng đầy tính khí của kẻ sĩ: Mấy bằng tiến sĩ giấy, chỉ đốt để uống mà thôi.” Thiền Sư cười ha hả… hai người nhìn nhau rồi tiếp tục ăn cơm trong thân tình đạo bạn.

Đạo Sư là vậy. Thiền Sư là vậy, trong đường tơ kẽ tóc, phàm thánh bất phân, hữu danh vô danh như tiếng dương cầm gõ nhịp đêm khuya bên ngọn đèn dầu bạch lạp lung linh không sáng dù để thấy người và đàn đang hiện hữu nơi đó.

Tình Đạo Sư nghĩa Thiền Sư qua bức ảnh. Đạo Sư bệnh nằm trên giường trong bệnh viện. Thiền Sư vào thăm, ngồi ghế bên giường nắm tay Đạo Sư mà dường như tâm thổn thức. Nắm tay không muốn thả. Nắm tay thật chặt để nói cho nhau nghe rằng, từ hôm nay đến vô lượng kiếp mãi là Từ Bi quyến thuộc, mãi là đôi bạn chân thân như hạnh nguyện Bồ Tát:

Hư không dù có chuyển di
Nguyện con vô tận, chẳng suy chút nào

Ôi đôi bạn chân tình, Đạo Sư, Thiền Sư bất phân tơ hào.

Nhưng có ai ngờ, nắm tay này là lần ly biệt, lần cuối cùng theo nghĩa thế nhân. Đạo Sư nằm, Thiền Sư ngồi hai khoảng cách không xa, nhưng dường như biết trước được rằng, giờ chia tay sắp đến, ngày cách biệt chẳng xa. Đạo Sư, Thiền Sư im lặng. Im lặng như hố thẳm. Im lặng như vực sâu không đáy, như bầu thái hư vô tận. Im lặng bặt dứt vô ngôn. Vô nhãn. Vô nhĩ… thâm trầm, vô thanh, hai tâm hồn dường một.

Chiếc Thiền sàng, Đạo Sư nằm đắp chiếc Pháp y màu măng cụt truyền thống. Đạo Sư bất động, như cái bất động ngàn đời của bậc Xuất Trần Thượng Sĩ. Không động. Không chuyển. Bất động để người đưa đi, để chư Thiên tiễn đi. để thiên nữ tán hoa đâu miên, hoa mạn thù sa dâng cúng. Hương ấy, mùi hương đạo hạnh. Hoa ấy, sắc hoa giới đức, cả hai đều bay ngược gió đến khắp muôn phương, chư thiên và loài người, thành kính đảnh lễ. Thiền Sư đi trước một tay đỡ Thiền sàng như gánh vác một ân huệ muôn trùng của tình bạn. Khi sống thì có nhau, giờ một người xả bỏ báo thân nhưng trong ý nghĩa tận cùng siêu nhiên thì luôn vẫn có nhau. Có nhau như đôi bạn chân tình. Như đôi bạn tâm giao. Có nhau như Đạo Sư Thiền Sư muôn thuở. Một bàn tay Thiền Sư đở Thiền sàng nâng cao, muốn nói Đạo Sư hãy lên đường thanh thản, an bình trên đạo lộ giải thoát, còn một tay để nơi ngực, Thiền Sư sẽ tiếp tục những gì Đạo Sư còn để lại, một kho tàng văn hoá quý giá. Một nền văn học kỳ vĩ của Phật Giáo Việt Nam.

Thiền Sư thi thiết, thi thiết bằng tâm nguyện vô cùng. Đạo Sư nằm. Thiền Sư đi như hai nốt nhạc dương cầm, trắng đen chỏi nhịp, khế hợp, đồng thanh hòa quyện vào nhau, du dương trầm bổng. Hình ảnh, âm thanh đi vào cõi vô tung, đồng vọng ngàn sau, bặt tích, hay lưu lộ hình ảnh đôi bạn chân tình nơi chốn hiu hắt bụi đường mà đôi chân không hề mỏi.

Ngày lễ nhập kim quan và phát tang Thầy.

Thích Nguyên Siêu
San Diego, CA
Ngày 25 tháng 11 năm 2023
Nguồn: Web Hoằng Pháp – hoangphap.org  (truy cập: 04/12/2023)

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Nguyễn Thanh Bình
xem tiếp đề mục: