Tuệ Sỹ

Giấy tùy thân duy nhất

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn

Là một trong những người sống “ngoài vòng pháp luật”, Ôn Tuệ Sỹ chưa bao giờ có hộ khẩu, chứng minh thư hoặc căn cước công dân, có nghĩa không có bất cứ loại giấy tờ tùy thân của chính quyền nào để chứng minh vị Đại Sư thế danh Phạm Văn Thương tồn tại trong xã hội. Ngay cả “giấy ra trại” năm nào cũng thất lạc, sau những lần phường quận đến chùa kiểm tra nhân khẩu được phép tạm trú tại Quảng Hương Già Lam.

Không có các giấy định danh công dân, nên Ôn cũng chẳng thể nào làm Passport, mà không có Passport thì làm sao xuất ngoại đi các nước?

Một điều thú vị là Ôn rất rành đường phố Paris, London… từ đại lộ Champs-Élysées dài 1.915 m, rộng 70 m và nằm trên trục Axe historique, bắt đầu từ Louvre, đi qua rất nhiều công trình nổi tiếng. Đầu đại lộ, phía gần quảng trường Concorde, Champs-Élysées được bao bọc bởi một không gian xanh. Khu vực này tập trung một số công trình quan trọng như Petit Palais, Grand Palais, điện Élysée… Đoạn tiếp theo, bắt đầu từ ngã bảy giao với đại lộ Montaigne, hai bên Champs-Élysées là các tòa nhà với cửa hiệu, quán cà phê, văn phòng, rạp chiếu phim… hoặc giao lộ Piccadilly kết nối các rạp chiếu phim trên đại lộ Shaftesbury, cũng như đường Haymarket, Nara Street về phía Quảng trường Leicester và phố Glasshouse… ở Wesminter London… ngồi uống trà với Ôn, đàm đạo về từng con phố, từng hiệu sách, quán cà phê các triết gia, văn hào hay ghé ở Paris hay London… Ôn rành như đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi ở Sài Gòn. Số là, khi xưa Ôn đọc tiểu thuyết của Tây, muốn tận tường, ông đã kiếm bản đồ mà tra xét. Ngày nay, thỉnh thoảng Ôn lại đạo phố Paris và London qua Google Map, mọi chuyện thực và dễ dàng hơn nhiều.

Ấy vậy mà tự dưng Ôn có hộ chiếu (Passport) vào năm 2012. Khi ấy, chính quyền biết rằng người hàng xóm phương Bắc bỏ ra rất nhiều tiền để ve vãn hai nhà hàng xóm phía Tây và phía Nam của Việt Nam, đưa nước ta vào thế tứ bề giáp Tàu, và người ta cũng biết hai nước láng giềng còn lại đều lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Thế là một vị trong bộ Nội Vụ đến xin chụp hình Ôn và mấy hôm sau mang đến đưa cho Ôn cuốn hộ chiếu, mà không cần giấy tờ gốc như Hộ khẩu hoặc Chứng minh thư, Căn cước theo kiểu quản lý của Việt Nam. Khi đưa cho Ôn Passport, ông cán bộ chỉ nói “Cụ rảnh, Cụ lên Lào, qua Cam chơi,” rồi về, không nói gì thêm. Có lẽ nói gì thêm đều dở.

Chính quyền do dân dung dưỡng mà tồn tại, dân tộc và tổ quốc thì do nghiệp lực, nhân duyên của mỗi cá nhân ứng hiện trong kiếp hiện tại mà có, đối với quan niệm xã hội thì tổ quốc và dân tộc là vĩnh cửu, chính quyền là giai đoạn, vậy nên người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền là người yêu nước theo chính kiến của họ, không thể có chuyện “YÊU NƯỚC LÀ YÊU XHCN” như những lời tuyên truyền kẻ trên các tấm tranh cổ động thuở trước.

Thế là Cụ lên Lào, qua Cam thật, chẳng phải để chơi, mà ghé qua các đại tự, gặp các vị lãnh đạo tôn giáo, các cao Tăng thạc đức để nói chuyện huynh đệ pháp hữu, nói chuyện hợp tác đào tạo Tăng Tài, chuyện cùng nghiên cứu phiên dịch, hiệu đính Kinh điển, cung cấp sách vở tài liệu Phật học, chuyện mở trường Đại học triết học Phật Giáo cho các nước Đông dương…

Chính nhờ cuốn hộ chiếu ấy, mà Ôn có thể xin Visa đi Nhật chữa bệnh vào những năm 2019-2020

Đến khi hộ chiếu hết hạn vào ngày 13/04/2022, thường thì phải hết hạn vào trước ngày cấp một ngày, tức là 12/04/2022, Ôn đưa cho tôi và bảo:

– Anh cầm, cần thì gia hạn hoặc làm cuốn mới, không thì thôi.

Tôi giữ cho đến ngày 23/11/2023, sau khi đảnh lễ bái biệt Sư Phụ để lên đường về Thụy Sĩ, tôi đưa cuốn hộ chiếu cũ của Ôn cho thầy Thị Giả vì đó là mảnh giấy tùy thân duy nhất mà chính quyền hiện tại cấp cho Ôn, dù đã hết hiệu lực lưu hành, nhưng cũng vẫn có thể dùng để làm giấy Báo tử, nếu cần.

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Nguồn: Facebook Bao Toan Tran – fb.com/baotoan.tran.39  (truy cập: 27/02/2024)

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Hoàng Quốc Bảo
Nguyên Tánh - Phạm Công Thiện
Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
xem tiếp đề mục: