Tuệ Sỹ

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,
mái nhà để trở về

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo

Tháng 5 năm nay, 2023, tôi và nhà văn Trần Doãn Nho đến đảnh lễ một bậc tôn túc Phật giáo từng là một trong những lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) trước 1975. Ngài nguyên là Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên và sau đại hội VI, là Tổng Vụ Trưởng, chính thức thay thế Hòa thượng Thích Thiện Minh. Trong căn phòng rộng, chúng tôi ngồi ôn lại chuyện xưa. Thầy ngạc nhiên nghe tôi kể lại những chi tiết có liên quan đến giáo hội trong hai năm đầy biến cố từ 1973 đến 1975. Căn phòng của Hòa thượng Quảng Độ ở chùa Giác Minh gần ngã sáu Lý Thái Tổ. Con hẻm dẫn vào chùa. Chiếc xe “Deux Chevaux” màu vàng nhạt đậu trong sân. Chúng tôi có một buổi chiều ấm áp sau khi xem lại cuốn phim của chính mình và một thuở không quên. Thầy cứ mỉm cười, gật đầu hoài “Đúng, anh nhớ rõ quá”, và thỉnh thoảng bổ sung vài điểm.

Năm đó tôi 18 tuổi. Nhớ lại, một buổi chiều tôi và bạn Nguyễn Xuân Tường, sinh viên ban Địa Chất ở Đại học Khoa Học, đến chùa Bửu Đà trên đường Lê Văn Duyệt để thăm các chú ở Quảng Nam vào trọ học. Khi chúng tôi đang trò chuyện, một vị Đại đức đến chào và làm quen. Thầy cũng là người Quảng. Sau khi biết gốc gác tôi, Thầy hỏi tôi có thể giúp cho Tổng vụ Thanh niên một số công việc được không. Mùa hè nên tôi nhận lời.

Khi từ Hội An vào Sài Gòn đầu tháng 9 năm 1972 tôi mang theo ước mơ xanh và rất nhiều câu hỏi. Tôi luôn tâm nguyện phải làm một việc gì đó hữu ích cho quê hương và đạo pháp để đền đáp những tháng năm đầy trắc trở của mình được Tam Bảo hộ trì và bá tánh thập phương che chở.

Như một sinh viên năm thứ nhất, tôi chưa làm được gì nhiều, nhưng học được rất nhiều. Tôi có cơ hội được đảnh lễ và lắng nghe những lời dặn dò của nhiều bậc tôn đức lãnh đạo GHPGVNTN. Nguồn sách vô cùng phong phú của thư viện Đại học Vạn Hạnh, bài giảng của các thầy giúp tôi hiểu ra nhiều điều mà trong tuổi thiếu niên tôi chưa hiểu hết hay chưa hiểu đúng. Cứ thế, tôi may mắn bước đi dưới bóng mát của hàng cổ thụ Phật giáo và từ những tàng lá rộng trên đầu tôi mỗi sáng còn có những giọt sương mai nhỏ xuống làm tươi mát tâm hồn một thanh niên chưa tới tuổi hai mươi.

Rồi 1975 đến và sáu năm sau tôi theo đàn chim bay ra biển.

Tại Mỹ, những năm đầu dù đời sống còn khó khăn, tôi cũng cố gắng đóng góp khả năng của mình vào các công việc của giáo hội. Khi sư phụ chúng tôi, Hòa thượng Thích Long Trí, được mời giữ chức vụ Chánh Văn phòng Viện Hóa Đạo tôi lại được sư phụ sai làm một số việc của giáo hội đòi hỏi sự tin cẩn. Những việc tôi được giao không thể nhờ vả ai khác nên tôi ở lại thêm một thời gian và khi sinh hoạt của giáo hội tương đối ổn định tôi lặng lẽ ra đi.

Tôi không có tham vọng nào và cũng không muốn giữ một chức vụ gì từ đó đến nay. Tôi đến với giáo hội chỉ vì tôi mang niềm tin sâu xa vào sự trường tồn của Dân tộc và Đạo pháp.

Thật vậy, dù đứng từ góc cạnh nào, không ai có thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của Phật giáo vào dòng sống của dân tộc Việt. Đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt trong nền văn minh nhân loại vì đáp ứng được các khao khát của con người theo từng thời đại không phân biệt màu da hay sắc tộc.

Kinh điển giống nhau nhưng đạo Phật mang sắc thái riêng khi đến mỗi quốc độ để từ đó có Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Việt Nam. Tôi “gặp Phật” ở Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Hàn, Nhật v.v… nhưng đạo Phật tại Việt Nam rất khác. Đạo Phật Việt Nam hòa tan trong tâm hồn mỗi con người. Nước và sữa có thể phân ly nhưng văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt không thể phân ly. Tinh thần Phật giáo bàng bạc trong lời ru của mẹ, lời dạy bảo của cha. Một câu thơ, câu văn được các tác giả viết ra đã có tư tưởng Phật giáo dù tác giả không phải là một tín đồ Phật giáo.

Khi dừng chân tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đem lại cho con người những phương tiện cần thiết để đạt đến giải thoát, an lạc như tại nhiều nơi khác mà còn dung hóa và dung hợp một cách hài hòa vào dòng sống dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc và là thành lũy tinh thần để bảo vệ Việt Nam. Đại Lão Hòa thượng Thích Huyền Quang nhấn mạnh điều này trong Thông Điệp Phật Đản PL 2543:

“Nếu đạo Phật không tồn tại như mạch suối ngầm trong dòng lịch sử dân tộc thì ngày nay cái tên “Người Việt” chỉ tồn tại trong sử sách người Trung quốc, và thời kỳ được nói là độc lập dân tộc chỉ được chép trong lịch sử Trung quốc như là những giai đoạn hùng cứ của bọn phản nghịch mà do đức hiếu sinh, Thiên triều đã không tàn sát và chỉ cải tạo dần bằng cuộc nô dịch văn hóa.”

Sau nhiều trăm năm bị đóng khung trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, dân tộc Việt lại phải đối diện với Thực dân xâm lược. Ông bà chúng ta bàng hoàng trước sức mạnh cơ khí của Thực dân. Thân xác người dân Việt gục xuống như rơm rạ trước họng súng đại bác từ các tàu chiến của Liên quân Pháp-Tây Ban Nha đậu ngoài cửa biển Đà Nẵng đầu tháng 9, 1858. Sau bao nhiêu hy sinh máu đổ đầu rơi, Việt Nam hoàn toàn bị Pháp thực dân hóa qua “Hòa ước Patenôtre”, 1884.

Việt Nam trở thành một thuộc địa của Pháp nhưng tinh thần Việt Nam được hun đúc suốt nhiều ngàn năm không vì thế mà mất đi. Dòng văn hóa vẫn tiếp tục chảy dù phải chảy qua những vách đá cheo leo và có khi phải nhỏ từng giọt xuống trái tim người yêu nước.

Người Việt quan tâm đứng trước hai chọn lựa, (1) đi vay mượn các chủ thuyết ngoại lai, mượn súng đạn của ngoại bang về để “giải phóng dân tộc”, thực chất là thay một hình thức nô lệ này bằng hình thức nô lệ khác, (2) nâng cao nhận thức văn hóa, xã hội, chính trị phù hợp với hướng đi thời đại kết hợp với phát huy nội lực dân tộc để tự khai hóa chính mình thay vì “bị khai hóa” bởi thực dân.

Để tồn tại, vượt qua và vươn lên, chư tổ Phật giáo chọn con đường thứ hai. Con đường đó không phải tìm đâu khác, không vay mượn của ai khác mà trở về và phát huy những tố chất uyên nguyên của dân tộc. Nội dung của hành trình về nguồn đó chính là phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1920. Chấn hưng Phật giáo cũng có nghĩa chấn hưng nội lực dân tộc.

Giống như ngài Anagarika Dharmapala (1864-1933), nhà văn và nhà đấu tranh cho nền độc lập Tích Lan, các bậc cao tổ Khánh Hòa, Giác Nguyên, Khánh Anh, Giác Tiên, Phước Huệ, Tố Liên, Trí Hải… của Việt Nam cũng đã rời những thiền phòng để chống gậy trúc đi vào lòng đất nước. Các ngài lắng nghe nỗi đau của dân tộc, đánh thức tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ trong lòng mỗi người dân Việt để qua đó phục hưng dân tộc bằng phương tiện giáo dục bởi vì chỉ nâng cao nhận thức mới có thể chuyển hóa hai nguồn bạo lực đến từ Tây phương gồm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản.

Con đường chấn hưng Phật giáo như chư tổ vạch ra là một con đường dài, cần nhiều thời gian và đầy khó khăn nhưng là con đường đích thực.

Sau nhiều thăng trầm, gian khó và hy sinh, cuộc hành hương về nguồn cội đó đã dẫn đến sự ra đời của GHPGVNTN vào tháng Giêng, 1964 tại Chùa Xá Lợi, Sài Gòn. “Thống Nhất”, trong ý nghĩa đó không chỉ là một tập hợp mang tính hình thức của 11 giáo phái ký tên trong Hiến chương 1964 mà là bước phát triển cao hơn của một truyền thống đã có từ nhiều ngàn năm.

Được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đầy ngộ nhận, GHPGVNTN dễ được hiểu như là kết quả của một biến cố chính trị. Biến cố có thể là “điểm vỡ” để GHPGVNTN được hình thành nhưng các giá trị hàm chứa trong Hiến chương 1964 của GHPGVNTN không đơn giản chỉ là kết quả của việc đổi thay một chế độ.

Các hội đoàn Phật giáo như Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa thành lập vào năm 1930, Hội Tăng Già Bắc Việt do Hòa thượng Tố Liên thành lập năm 1950, và nhất là Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Huế năm 1951. Tất cả đều đã được thành lập trước năm 1964, và do đó, sớm hay muộn các hội Phật giáo cũng sẽ kết hợp thành một giáo hội thống nhất. Qua những chặng thời gian và những khoảng không gian, dòng sông Phật giáo Việt Nam có những tên gọi khác nhau nhưng cũng chỉ là một dòng sông thống nhất khởi nguồn từ Luy Lâu trong thế kỷ thứ hai.

Các tổ chức Phật giáo quốc tế như Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists), Hội đồng Tăng già Phật giáo Thế giới (The World Buddhist Sangha Council, WBSC) và nhiều tổ chức Phật giáo Quốc tế khác đều ra đời trong hai thập niên đó. GHPGVNTN, do đó, là bước phát triển tự nhiên và tự nguyện của Phật giáo Việt Nam phù hợp với dòng chảy của văn minh thế giới trong hậu bán thế kỷ 20.

Từ đó đến nay, GHPGVNTN là nơi giữ gìn các giá trị tinh thần, các truyền thống văn hóa, lịch sử hai ngàn năm và sau này của Phật giáo Việt Nam. Dù bụi phủ, dù rêu phong mái nhà GHPGVNTN vẫn là mái nhà chính danh và chính thống của mọi người con Phật Việt Nam.

Lịch sử của GHPGVNTN từ khi ra đời tháng Giêng, 1964 cho tới khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống đã gần 60 năm với không biết bao nhiêu gian khó. Một cuốn sách hay cả bộ sách dày cũng không viết hết hành trình giáo hội đã đi qua.

Sau 1975, ngoài GHPGVNTN, tại Việt Nam còn ra đời một “giáo hội” khác, được đảng CSVN chỉ đạo thành lập năm 1981 và đặt tên là “Giáo Hội Phật giáo Việt Nam” (GHPGVN) với phương châm “Đạo Pháp, Dân Tộc và chủ nghĩa Xã Hội”. Với thân phận tầm gửi đó GHPGVN lệ thuộc hoàn toàn vào đảng CS. Nói một cách dễ hiểu, đảng CS còn GHPGVN còn và đảng CS mất GHPGVN sẽ mất.

Lịch sử đạo Phật cho thấy, trong thời đại nào và ở đâu, các hàng tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo thỏa hiệp với tầng lớp thống trị, bị lôi cuốn vào vòng lợi danh và quyền lực, lợi dụng nỗi khổ đau bất hạnh của con người, giáo hội Phật giáo đó không còn là đại diện cho đạo từ bi của đức Phật nữa mà đã bị tha hóa thành công cụ của bộ máy cầm quyền.

Tuy nhiên, đạo Phật tại Việt Nam không chỉ gồm một nhóm nhỏ những tu sĩ bị tha hóa. Ẩn mình trong đám mây đen là ánh sáng của vầng dương trí tuệ và che giấu dưới lớp rêu xanh là những viên ngọc từ bi nhẫn nhục. Hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc.

Hàng ngàn Như Lai Trưởng Tử đang dâng hiến cuộc đời cho Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam trong nhiều cách khác nhau trên khắp ba miền đất nước. Các bậc tăng tài chân chính đó là những mạch nước đang âm thầm chảy trong lòng dân tộc, khó khăn nhưng vẫn phải chảy để giữ gìn Chánh Pháp của đức Thế Tôn. Họ có thể chưa nghe nhiều về GHPGVNTN hay chưa đứng hẳn về phía GHPGVNTN. Nhưng không sao. Tất cả vẫn còn đó. Một mai khi có điều kiện thuận lợi chư tôn đức tăng ni sẽ gặp nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh tăng đoàn dưới một mái nhà GHPGVNTN.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch ngày 22 tháng 2, 2020. Trong di chúc, ngài ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:

“Đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.”

(Quyết Định Số T4/QĐ/TT/ VTT của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN)

Tại sao Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đặt sinh mệnh của GHPGVNTN trên vai Hòa thượng Tuệ Sỹ mà không giao phó cho ai khác?

Phải chăng vì không có một tôn đức nào uyên thâm gần hết các lãnh vực nội điển và ngoại điển như Hòa thượng Tuệ Sỹ?

Phải chăng không có một tôn đức nào khác có tinh thần uy dũng và đức độ được quốc tế và đa số đồng bào Việt Nam kính trọng như Hòa thượng Tuệ Sỹ?

Đó là câu hỏi chúng ta thường đọc, thường nghe từ tháng 2, 2020 đến nay và cũng là câu trả lời của phần đông chúng ta mỗi khi được hỏi.

Thế nhưng, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ có thể không nghĩ giống như đa số chúng ta mà đã nghĩ sâu hơn.

Tinh hoa và trí tuệ bộc phát trong những ngày tháng cuối đời giúp ngài nhìn lại con đường giáo hội đã đi qua và thấy rõ hơn con đường trước mắt mà đạo Phật Việt Nam phải hướng tới.

Ngài trao trọng trách cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bởi vì, ngoài cơ sở pháp lý là Hiến chương GHPGVNTN và bên cạnh sự thông minh, uyên bác nhiều lãnh vực, Hòa thượng Tuệ Sỹ trước hết vẫn là con người văn hóa và có một tầm nhìn rất xa về tương lai Dân tộc và Phật giáo.

Là một bậc cao tăng dâng hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ biết cuộc vận động chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1920 chưa dừng lại mà là một tiến trình liên tục và phải bắt đầu ngay từ nền móng.

Nền móng của đạo Phật không gì khác hơn là Tam tạng. Đại lão Hòa thượng ý thức được sự quan trọng của công trình phiên dịch bởi vì chính ngài từng là Tổng Thư ký mang trọng trách điều hành công việc hàng ngày của Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng trước 1975.

Nhắc lại. Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng được thành lập sau phiên họp ba ngày từ 20 đến 22 tháng 10, 1973. Kết quả, một Ban Phiên dịch được bầu ra. Trưởng ban là Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Tổng Thư ký là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Trong số 18 bậc tôn đức thành viên Ban Phiên Dịch có một vị tăng sĩ chỉ mới 28 tuổi. Vị tăng sĩ trẻ đó là Đại đức Thích Tuệ Sỹ.

Trong Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống, Hội đồng Viện Hóa Đạo, Tổng vụ Hoằng Pháp, Ban Giáo sư Phật khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh còn có hàng trăm cao tăng thạc đức xứng đáng được cung thỉnh vào Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng. Tuy nhiên Hội đồng đề cử Đại đức Tuệ Sỹ bởi vì Thầy không chỉ là một giáo sư Đại học Vạn Hạnh mà còn đại diện cho tương lai của Phật giáo tại Việt Nam.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tuệ Sỹ một cánh cửa mới sẽ mở ra để GHPGVNTN bước đi cùng thời đại.

Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà Hòa thượng không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm. Hòa thượng cặm cụi ngày đêm soạn thảo từng thông tư, chủ trì nhiều phiên họp, gọi thỉnh mời chư tôn đức tăng ni ở khắp các múi giờ trên thế giới để cùng ngồi lại. Tất cả chỉ vì một mục đích như ngài viết trong Thông Bạch Thỉnh Cử Hội đồng Hoằng pháp: “mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.”

Đúng như niềm mong ước của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Tuệ Sỹ đã lãnh đạo và phối hợp chư tăng ni trong và ngoài nước để thành lập nên Hội Đồng Hoằng Pháp vào ngày 10 tháng 05 năm 2021.

Hội Đồng Hoằng Pháp “mở ra cánh cửa cho những ai đang tìm kiếm sự an lạc tĩnh lặng của nội tâm; cứu mình, giúp người, xoa dịu và hàn gắn những đổ vỡ chia ly của gia đình, xã hội; góp phần giải quyết những khổ đau triền miên của nhân sinh, kiến lập thế giới hòa bình, nhân ái.”

Mục đích và chủ trương ngắn gọn như thế nhưng hàm chứa cả một tầm nhìn bao la và sâu xa của Hòa thượng Chánh Thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN Thích Tuệ Sỹ.

Nội dung Phật chất chứa đựng trong Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tu chính ngày 12.12.1973) hoàn toàn không thay đổi nhưng đưa đến cho mọi người ở mọi nơi bằng những phương tiện nhanh chóng chưa từng có nhờ kết quả của cuộc cách mạng tin học cuối thế kỷ 20.

Trong “thế giới phẳng” ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian không còn là những trở ngại mà là những tiện nghi cần được tận dụng.

Kết quả thấy rõ, chỉ trong vòng chưa tới hai năm Tạng Thanh Văn 29 cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển đã được ấn hành và công bố.

Thành tựu đầy khích lệ đó nhờ nhiều yếu tố. Bên cạnh sự hướng dẫn tinh thần của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và chư tôn đức trưởng lão còn có sự đóng góp của nhiều tăng sĩ, cư sĩ Phật giáo thuộc thế hệ trẻ xuất gia tu học hay thành tài sau 1975 và hành đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các bậc tăng tài trẻ đó đến với GHPGVNTN bằng con đường thời đại rộng mở thay vì những lối hẹp không còn thích hợp với kỷ nguyên toàn cầu hóa thông tin.

Kỳ diệu thay! Sau gần nửa thế kỷ ngưng trệ vì nhiều lý do và 16 trong số 18 bậc tôn đức trưởng lão trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng được thành lập năm 1973 đã viên tịch nhưng những lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục chảy vào dòng văn hóa Việt Nam và dòng văn minh nhân loại. Hai vị còn đương tiền là Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, nhưng trong tình trạng bất hoạt và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

Sáu mươi năm trước, các tôn đức trưởng lão đã ý thức được tầm quan trọng của thế hệ tăng sĩ tương lai khi mời Đại đức Tuệ Sỹ chỉ mới 28 tuổi vào Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng.

Sáu mươi năm sau, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, đã “nối lại và mở rộng con đường của 25 thế kỷ truyền trì đạo lý giải thoát giác ngộ bằng phương tiện và kỹ thuật hiện đại, sao cho những thế hệ tương lai có thể tiếp nhận Phật pháp một cách hiệu quả và thích hợp nhất hầu áp dụng vào cuộc sống đầy biến động và thay đổi từng ngày của ngôi làng thế giới.”

Kẻ trước người sau nhưng không ai quá trễ để đóng góp vào sự nghiệp hiển dương ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Thời gian và phương tiện khác nhau nhưng cùng một tâm nguyện hoằng pháp độ sanh.

Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống cũng biết việc mở cánh cửa, dựng lối vào cũng chỉ là phương tiện, đào tạo tăng tài để bước vào cánh cửa đó mới chính là mục tiêu quan trọng của GHPGVNTN hôm nay và mai sau. Một mái nhà đẹp bao nhiêu nhưng không được gìn giữ, sửa sang, một ngày cũng dột nát và sụp đổ. Truyền thống nếu không biết phát huy sẽ sớm trở thành một thói quen lạc hậu.

Lá thư “Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế” của Hòa thượng là lá thư ngắn nhưng được trích dẫn nhiều nhất trong 20 năm qua. Lý do, đó là lời căn dặn chân thành của Hòa thượng đến thế hệ tăng sĩ trẻ.

Hòa thượng viết:

“Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức. Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu, của các bậc Thánh Ðệ tử, được gói gọn trong thanh quy: Sa môn bất kính vương giả.”

Tất cả rồi sẽ phôi phai nhưng những lời vàng ngọc đó sẽ là hành trang đầy ắp tình thương và Phật chất để các thế hệ tăng sĩ mang theo trong lý tưởng cứu đời. Một giáo hội, trong trường hợp này là GHPGVNTN, thuận với lòng người, hợp với nhu cầu của đất nước và hướng đi của thời đại, giáo hội đó sẽ tồn tại mãi mãi cùng lịch sử dân tộc.

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ba bậc tôn đức khai sáng một thời đại mới của Phật giáo Việt Nam. Nhìn lại những năm tháng đầy đau thương, chịu đựng trong lao tù mà các tôn đức phải trải qua thật không khỏi đau lòng.

Nhưng dù bao nhiêu đau thương, chịu đựng dòng Suối Từ kỳ diệu vẫn chảy. Mỗi thời kỳ đều có những bậc cao tăng thạc đức đứng ra chèo lái con thuyền đạo pháp. Những chịu đựng hy sinh của các ngài sẽ không rơi vào quên lãng mà đã nở thành những bông Hoa Đàm làm đẹp con đường hoằng dương Chánh Pháp của đức Thế Tôn.

Nhiều người lo lắng, một mai khi các bậc cao tăng thạc đức có liên hệ với GHPGVNTN viên tịch, các thế hệ tăng sĩ và Phật tử sau này sẽ không biết gì về GHPGVNTN. Không đúng. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, bạo lực có thể thay đổi một thể chế nhưng không thể xóa đi một nền văn hóa và GHPGVNTN là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Việt Nam.

Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt chảy theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt chảy theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.

Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ, Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Hoàng Quốc Bảo
Nguyễn Mộng Giác
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
xem tiếp đề mục: