1
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
(Hoài Khanh, Thân Phận)
Khuyết nguyệt; đó là mảnh trăng non, là con trăng sơ huyền. Trăng của thời kỳ vừa chớm, và thơ cũng sẽ bắt đầu từ một cõi mộng đơn sơ. Những cái u sầu hay hoan lạc trong mỗi cuộc giao tình, phảng phất một ẩn ngữ cao kỳ. Ân tình cùng giao thoa trong tương ứng, nó đơn giản như hai với hai là bốn. Rồi từ đó sẽ mở ra một phương trời đọa đày viễn mộng. Cuộc tình tan rã, thì cuộc chơi đột ngột phơi bày trong tuế nguyệt. Bây giờ là mùa thu1Tấn Thần Tông, niên hiệu Hy ninh (1076), biến pháp thất bại, Vương An Thạch bị bãi chức Tể tướng. Lữ Huệ Khanh thay thế. Nguyên phong năm thứ 2 (1079), Lữ Huệ Khanh dựng lên vụ án văn tự; Đông Pha bị buộc tội chết. Được Thần tông tha; bị đày ra Hoàng châu (Nguyên phong năm thứ 3, 1080). Tấn Thần Tông, niên hiệu Nguyên phong 5 (1082), tháng 7, Đông Pha dạo chơi Xích bích, làm bài phú “Xích bích” và bài từ “Đại giang đông khứ”. Nguyên Xích bích là tên ngọn núi ở nam ngạn sông Dương tử, đông bắc huyện Gia ngư, tỉnh Hồ bắc. Nơi này xảy ra trận thủy chiến. Chu Du, Đô đốc Đông ngô, đánh bại một trăm vạn hùng binh của Tào Tháo. Xích bích mà Đông Pha nói đến ở ngoại thành Hoàng châu.; và tóc trắng tung bay trong cõi mộng kiêu hùng. Mùa đó, nước lũ ào ạt đổ xuống Trường giang; rầm rộ tràn qua những đống loạn thạch, lũ lượt trôi phăng như mây ngàn bạt đỉnh, sóng kinh hoàng xẻ đôi hai bờ bến, dâng cao như hàng vạn đống tuyết bay:
Giang sơn như họa
Anh hùng hào kiệt một thời
(Từ điệu “Niệm nô kiều”)
Thế thì, trong cõi thơ, trăng cũng kiêu hùng như gió ngàn bạt đỉnh. Từ đó, nhìn lại con trăng, như sợi lông mày vắt ngang trên con mắt sầu mộng đăm chiêu; mảnh trăng non trơ vơ trên ngọn ngô đồng thưa lá: thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ? Vừa ẩn ngữ vừa không là ẩn ngữ:
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở;
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi?
(Thơ Tuệ Sỹ)
Thơ không là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khởi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những nét thanh kỳ tú lệ; cũng lãng đãng như trong những giọt sương lóng lánh; cũng tươi như nụ hồng vừa chớm nở; cũng trong ngọc trắng ngà như băng tuyết; và cũng trơ vơ như chiếc sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự như sao Mai giữa trời khuya ngất tạnh. Vậy, những cái đó không là ẩn mật; mà chính là những tâm tình được thổ lộ phơi trần, hoặc bằng lân la nay khóm trúc mai chồi lan; hoặc đột ngột như gió dục mây Tần. Tâm tình đã thổ lộ, thì cuộc giao tình thắm thiết mở ra. Bấy giờ mới là lúc:
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi
Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn
Một dòng sông vồn vã động chân trời
(Thơ Tuệ Sỹ)
Từ tâm tình đến cuộc tình, từ cuộc tình đến cuộc chơi, rồi từ cuộc chơi đến cuộc hẹn; thế là, đang lân la, bỗng đột ngột phát hiện một phương trời viễn mộng, xa xôi. Trong cõi đó, lữ khách bao giờ cũng thấy mình đang bươn bã ra đi, đi biền biệt, đi triền miên, tưởng như không bao giờ có bến bờ để đổ lại; nhưng, đi và đi mất, trong từng khoảnh khắc, cái đến và nơi đến, đã đến tự bao gờ. Cuộc tình chia phôi từ độ đó. Bên này là những dòng tuế nguyệt cứ mãi trôi đi, và bên kia là một chân trời đồng vọng không có đến. Bóng chiều rủ lên tảng đá bên đường, đọng trong mắt của người một mối sầu cô lữ. Không là ẩn ngữ, nhưng vì đã phơi bày tất cả ra đó, nên cuộc tình và cuộc chơi hay cuộc lữ cuộn tròn trong ẩn ngữ thiên thu. Đó là một tình tự hoang đường? Hoặc giả:
Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nắm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
. . . . . . . . . .?
2
Đó là tình thơ trong cuộc thơ và cõi thơ; không quyết là của Đông Pha hay không là Đông Pha. Những người chơi thơ, mở cuộc giao tình với cuộc thơ, ban đầu chỉ là đi tìm một cõi mộng đơn sơ, rồi đột ngột, và sững sờ, cảm khái như một mối sầu cô lữ, thấy mình lưu lạc ở một phương trời đọa đày viễn mộng.
Bây giờ bắt đầu bằng con trăng sơ huyền, mảnh trăng non treo trên ngọn ngô đồng thưa lá. Trăng trên đồi xuân cỏ mượt, hay trăng trong mùa thu tóc trắng. Nói chung, là trăng trong cõi mộng đơn sơ. Trong đó, tình thơ đồng vọng từ một mùa xuân, từ lúc hoa bắt đầu rã những cánh hồng xơ xác:
花褪殘紅青杏小
燕子飛時
綠水人家遶
枝上柳綿吹又少
天涯何處無芳草
Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu
Yến tử phi thời
Lục thủy nhân gia nhiễu
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.
Hoa đang rã những cánh hồng xơ xác, và cây hạnh xanh gầy. Khi con én liệng, dòng nước biếc lượn quanh. Lập bụi phấn bông liễu trên cành, gió thổi rồi vơi dần. Ven trời hàng vạn nẻo, nơi nào không là cỏ non?
Đồng vọng xuân mà cũng đồng vọng thu, đồi cỏ non và tóc trắng. Ân tình một nỗi mà chia hai. Tình thơ là tình xuân, nhưng tình người đã quá xế muộn, của tuổi già, cái tuổi gần sáu mươi, trong những ngày bị đày ải, lưu lạc nơi cảnh man dại Nam hoa.
Lúc đó, và năm đó, giáp tuất (1094),2Tống Triết Tông, Nguyên hựu năm thứ 7 (1091) Đông Pha đang làm quan ở Dĩnh châu với hàm Long đồ các Học sỹ, được Tuyên Nhân Hậu triệu về kinh cho giữ chức Binh bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị độc. Sau đó chuyển sang Lễ bộ Thượng thư kiêm Đoan minh điện Hàn lâm thị độc. Bọn ngự sử thuộc phe Chương Đôn dựng vụ án “bài xích Tiên đế” khép tội Đông Pha. Nhờ Tuyên Nhân Hậu bao che; ông khỏi tội. Năm sau (1093) Tuyên Nhân Hậu mất; Đông Pha mất hậu thuẫn ở triều. Chương Đôn được cử làm Tể tướng. Biết mình sẽ bị Chương Đôn hại, Đông Pha xin ra trấn nhiệm Định châu. Thiệu thánh năm thứ nhất (1094), ông bị phe Chương Đôn trong triều buộc tội chê bai triều vua trước nên bị cách chức dời qua Anh châu. Nửa chừng, lại bị giáng chức làm Ninh viễn quân Tiết độ phó sứ, đày ra Huệ châu an trí. ông 59 tuổi, đang từ chức Đoan minh điện học sỹ3Đoan minh diện học sỹ, chức đoan trình đọc văn thư các nơi gởi về trình tấu Hoàng đế. Ở cấp dưới Hàn lâm viện học sỹ. kiêm Hàn lâm viện Thị độc học sỹ,4Hàn lâm viện thị độc học sỹ, có nhiệm vụ đọc và giảng sách cho Hoàng đế. ngoại nhiệm ở Định châu,5Dịnh châu, tên châu thời Tống. Thời Dân quốc đổi thành huyện, thuộc tỉnh Hà bắc. bị giáng chức, đày đi Hải nam. Đó là đoạn đường gian nan hiểm trở. Trên đoạn đường đó, thơ ông vang lên những tiếng dội lạ lùng. Khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời; nhưng lại đượm những tình hoài vọng xa xôi.
Đường đi xuống Hải nam, ngang qua Cống châu;6Cống châu, tên châu đời Tống. Sau này đổi thành huyện, thuộc tỉnh Giang tây. sông Cống chảy qua mười tám ghềnh thác đổ. Ngày mồng bảy tháng tám (âm lịch) năm đó, bắt đầu vào Cống châu, và ngang qua một thác nước ào ạt, được mệnh danh là thác Hoàng khủng. Cái tên đó cũng đủ thấy cái thế tuôn trào xuống của nó. Trong cái kinh hoàng nơi khách địa đó, thơ ông vọng về cố quận khơi vơi. Nơi quê ông, có phố chợ, được gọi là phố Hỉ hoan. Hỉ hoan và Hoàng khủng, tình trong mà cảnh tượng đôi bờ. Bên này là những nét kiêu hùng man dại của đất khách, bên kia là tình nồng đượm của quê hương. Chỗ đó, ông gọi là “lao viễn mộng”, là đọa đày viễn mộng. Bốn chữ ấy, vừa kiêu sa vừa cô quạnh, mùa thu và tóc trắng hiện ra những nét vừa khốc liệt vừa man mác. Bài thơ của ông làm lúc đó:
七千里外二毛人
十八灘頭一葉身
山憶喜歡勞遠夢
地名惶恐泣孤臣
長風送客添帆腹
積水浮舟減石鱗
便恰與官充水手
此生何止略知津
Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân
Thập bát than đầu nhất diệp thân
Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng
Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần
Trường phong tổng khách thiêm phàm phúc
Tích vũ phù chu giảm thạch lân
Tiện hiệp dữ quan sung thủy thủ
Thử sinh hà chỉ lược tri tân
Hai thứ tóc, người đi ngoài bảy nghìn dặm;
Một thân côi, thác đổ xuống mười tám ghềnh.
Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng;
Đất tên Hoàng khủng lệ khóc cô thần.
Gió ruỗi khách cánh buồm mở rộng,
Mưa đầy sông thuyền nhẹ lênh đênh.
Góp sức quan thử làm thủy thủ,
Đất trời xuôi bờ bến là đâu?
(Dịch thơ: Tuệ Sỹ)
Con đường đó còn mở rộng bát ngát những hùng ca và bi ca. Thơ ông bấy giờ như cánh chim hồng lẻ loi bạt gió.
Ngày 3 tháng 10 năm đó, đến Huệ châu, thuộc tỉnh Quảng đông ngày nay. Ông ở đây gần 4 năm, rồi bị đày xa xuống nữa7Triêu Vân mất ở Huệ châu. Sau đó, ông bị đày xuống Quỳnh châu (trong đảo Hải nam), rồi tiếp tục bị đày xuống Đam nhĩ (cũng trong đảo Hải nam)..
Tháng 11 năm đó, (giáp tuất), ông làm bài thơ đùa Triêu Vân, Ông tự viết lời dẫn cho bài thơ, nói:
“Đời bào Lạc Thiên (Bạch Cư Dị) có bài từ Chúc lạc mã phóng theo điệu Dương liễu chi, khen con ngựa lúc chủ già bịnh không nỡ bỏ. Nhưng tôi nằm mộng có làm mấy câu thơ:
春盡絮飛留不得
隨風好去落誰家
Xuân tận nhứ phi lưu bất đắc
Tùy phong hảo khứ lạc thùy gia
Xuân đi qua, bông liễu bay tơi tả, theo ngọn gió thổi, biết rơi vào đâu.
Thơ Lạc Thiên cũng nói:
病與樂天相伴住
春隨樊子一時歸
Bịnh dữ Lạc Thiên tương bạn trụ
Xuân tùy Phàn tử nhất thời qui
Bịnh và Lạc Thiên sống chung với nhau. Mùa xuân và Phàn Tử8Phàn Tử, tức Phàn Tố, thị thiếp của Bạch Cư Dị. “cùng về một lúc”.
“Nhà tôi có vài thị thiếp; bốn, năm năm đã nối nhau bỏ đi; chỉ một mình Triêu Vân theo tôi đày sang Nam. Nhân đọc thơ Lạc Thiên, làm bài thơ đùa đó. Triêu Vân họ Vương, người Tiền đường, có con tên Cán, chưa đầy năm đã yểu”.
Bài thơ đó:
不似楊枝別樂天
恰如通德伴伶玄
阿奴絡秀不同老
天女維摩總解禪
經卷藥爐新活計
舞衫歌扇舊因緣
丹成逐我三山去
不作巫陽雲雨仙
Bất tợ Dương Chi biệt Lạc Thiên
Hiệp như Thông Đức bạn Linh Huyền
Ả nô Lạc Tử bất đồng lão
Thiên nữ Duy Ma tổng giải Thiền
Kinh quyển dược lô tân hoạt kế
Vũ xam ca phiến cựu nhân duyên
Đan thành trục ngã tam sơn khứ
Bất tác Vu dương vân vũ tiên
Triêu Văn không giống như nàng Dương Chi,9Dương Chi, tức Phàn Tố, thị thiếp của Bạch Cư Dị, do nàng ca bài từ “Dương liễu chi” của ông rất hay, nên ông gọi nàng như thế. và ông cũng khác với Lạc Thiên. Nhưng giống như Thông Đức sánh đôi với Linh Huyền.10Linh Huyền, người đời Hán, tác giả Phi Yến ngoại truyện. Phi Yến tức Triệu Phi Yến, một trong tứ đại mỹ nhân Trung quốc, vợ Hán Thành đế. Ông và Triêu Vân không thể sống cùng nhau đến già như cô em Lạc Tú. Nhưng ông cùng nàng có thể như Thiên nữ và cư sĩ Duy-ma-cật,11Duy-ma-cật (Skt, Vimalakirti), một cư sỹ nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa. Ông sống trong một căn phòng vuông vức một trượng nên gọi là phương trượng. Trong căn phòng có một thiên nữ. Mỗi khi ông cùng các người khác luận đạo đến chỗ lý thú, thiên nữ tung hoa tán thưởng. cùng đàm luận và lý giải đạo Thiền. Quyển kinh và lò thuốc là phương tiện cho sinh kế mới; còn trang phục múa và cây quạt để ca là nhân duyên cũ đã qua rồi.
Gọi là đùa, mà kỳ thực là để tạ cái chân tình thắm thiết của Triêu Vân hầu ông. Nàng cốt cách như thiên nữ, dù không sắc nước hương trời, nhưng cũng trang nhã thanh cao. Trước kia, nàng chỉ biết ca hát và múa. Từ khi ông đi đày, nàng làm bếp; tợ như ngọc nữ quạt lò thuốc luyện đan. Khi nào tiên đan luyện thành rồi, sẽ đuổi ông chơi xa ngoài năm non bảy núi, không làm tiên nữ mây mưa trên đỉnh Vu dương nữa.
Một ngày nhàn hạ, ông ngồi với Triêu Vân. Lá ngô đồng vừa bắt đầu rơi vài ngọn, gió heo may vừa trổi, và sương thu lạnh. Ông bảo Triêu Vân cầm cốc rượu làm phách đánh nhịp, hát bài từ của ông, theo điệu Điệp luyến hoa:
1.
花褪殘紅青杏小
燕子飛時
綠水人家遶
枝上柳綿吹又少
天涯何處無芳草
Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu;
Yến tử phi thời,
Lục thủy nhân gia nhiễu.
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu.
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.
II
牆裏鞦韆牆外道
牆外行人
牆裏佳人笑
笑漸不聞聲漸小
多情卻被無情惱
Tường lý thu thiên tường ngoại đạo,
Tường ngoại hành nhân,
Tường lý giai nhân tiểu.
Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiểu,
Đa tình khước bị vô tình não.
Ca và Triêu Vân sụt sùi khóc, nước mắt đẫm áo. Ông hỏi tại sao khóc. Nàng chỉ vào bài từ, chính là ở chỗ:
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu.
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.
Trên cành liễu, bông liễu đã kết trái, trên hạt của nó có những sợi lông như lông tơ, của cái kén, gọi là liễu miên, hay bụi hồng liễu. Ngọn gió muộn của mùa thu thổi qua, bông liễu bay đi; ngoài kia, bông liễu tản mạn triền miên, tản mạn bay đi; ngoài kia ven trời vạn nẻo, đâu không là cỏ non!
Nàng khóc là ở chỗ đó. Ông cười lớn: “Chính là chỗ ta ngậm ngùi mùa thu, mà nàng khóc với mùa xuân”.
Mùa xuân và mùa thu, hai tuổi đời cách biệt, cùng trong một tình thơ đó. Tình đạm bạc như bông liễu; và cũng tình đó, triền miên như bụi bông liễu. Mịn như tơ trời và lây lất triền miên theo gió thổi; trên cành liễu và ngoài kia mấy vạn ven trời diệu vợi. Càng đơn bạc, càng nồng nàn.
Tình vương vấn như sợi tơ trời, triền miên và thắm thiết. Triền miên và triền miên, một thứ triền miên kỳ lạ. Triền miên đó là cái bịn rịn, cái dây dưa, cái vương vấn, cái quyến luyến, của bụi bông hồng liễu như tơ trời. Lồ lộ trong cơn gió thanh xuân, mà e ấp trong một tình thơ sầu vạn đại.
Cuộc giao tình dồn lại rồi chia phôi:
牆裏鞦韆牆外道
牆外行人
牆裏佳人笑
笑漸不聞聲漸小
多情卻被無情惱
Tường lý thu thiên tường ngoại đạo
Tường ngoại hành nhân,
Tường lý giai nhân tiếu.
Tiếu tiệm bất vãn thanh tiệm tiểu
Đa tình khước bị vô tình não.
Bên trong tường là cái ghế xích đu và bên ngoài tường là con đường cái. Bên ngoài tường là lữ khách đi, và bên trong tường là người đẹp đang cười. Cười càng lúc càng nhỏ và tiếng càng lúc càng ngậm ngùi. Cái đa tình thường bị cái vô tình làm ray rứt.
Tình thơ, và cuộc tình trong thơ, thắt chặt rồi buông lơi; gió thổi cuộc tình ra ngoài một vạn phương trời viễn mộng; ngoài phương trời đọa đày viễn mộng. Hùng ca hay bi ca?
Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ:
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
(Bùi Giáng)
Bụi thu mờ và bụi thu bay. Trời mùa thu cao ngất tạnh trong bụi thu mờ. Rừng thu rỗ biếc ố hồng vì bụi thu mờ. Chiều mùa thu đổ xuống trong bụi thu mờ. Cõi mơ chuyển mình bát ngát kỳ tuyệt trong vạn lớp bụi thu mờ. Mờ và xa.
Em về rũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay
(Bùi Giáng)
Chẳng bao lâu, Triêu Vân bịnh và mất. Nàng mất lúc tuổi mới 34, và ông đã 61 tuổi. Rồi từ đó:
Sầu cô quạnh tung trời lên Bắc đẩu,
Dải Ngân hà tan tác bụi thu bay
(Thơ Tuệ Sỹ)
Từ đó trở đi, ông không bao giờ còn nghe lại:
Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu;
….
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu.
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo
Ông viết “Mộ chí minh”:
Thị thiếp của Đông Pha tiên sinh là Triêu Vân, tự Tử Hạ, họ Vương thị; người Tiền đường. Thông minh và thích việc nghĩa, thờ tiên sinh 23 năm, một mực trung và kính. Năm Thiệu thánh thứ 3 (1096), tháng 7, ngày nhâm thìn, mất ở Huệ châu, 34 tuổi. Tháng 8, ngày canh thân, táng trên Phong hồ, phía đông nam chùa Thê hiền. Sinh con tên Độn, chưa đầy năm đã yểu. Nàng thường theo tỳ khưu ni Nghĩa Xung học Phật pháp, cũng hiểu biết sơ qua đại ý. Lúc chết tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt. Bài minh rằng:
浮屠是瞻
伽藍是依
如汝宿心
唯佛之歸Phù đồ thị chiêm
Già lam thị y
Như nhữ tức tâm
Duy Phật chi quy(Hướng về đức Phật. Nương về cửa chùa. Theo tâm nguyện đó. Nay Phật đón đi).
Ông làm bài thơ truy điệu, và tự viết lời dẫn:
Thiệu thánh nguyên niên (1094), tháng 11, làm bài thơ đùa Triêu Vân. Năm Thiệu thánh thứ 3, tháng 7, ngày 5, Triêu Vân mất vì bịnh ở Huệ châu, táng phía đông nam trong rừng thông chùa Thê hiền, kề tháp Đại thánh. Tôi đã làm bài Minh khắc lên mộ nàng; nay làm bài thơ họa vận bài trước.
Ban đầu Triêu Vân không biết chữ. Lớn tuổi, bỗng học viết; viết hơi có ngay ngắn. Lại thường theo bà tì khưu ni Nghĩa Xung ở Tú thượng học Phật pháp, cũng có biết sơ qua đại nghĩa. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt.
Bài thơ:
苗而不秀豈其天
不使童烏與我玄
景恨無千歲藥駐
贈行唯有小乘禪
傷心一念償前債
彈指三生斷後緣
歸臥竹根無遠近
夜燈勤禮塔中仙Miêu nhi bất tú khởi kỳ thiên
Bất sử Đồng Ô dữ ngã huyền
Chú cảnh hận vô thiên tuế dược
Tặng hành duy hữu Tiểu thừa thiền
Thương tâm nhất niệm thường tiền trái
Đàn chỉ tam sinh đoạn hậu duyên
Qui ngọa trúc căn vô viễn cận
Dạ đăng cần lễ tháp trung tiên
Nàng như đám mạ đã xanh nhưng chưa kịp trổ đòng đòng. Đó là mệnh trời ư? Miêu nhi bất tú, hữu hỉ phù: “mạ đã xanh nhưng không trổ đòng đòng; có vậy sao? Đã trổ đòng đòng nhưng lại không kết hạt, có vậy sao?” Đó là những lời đức Khổng Tử khóc Nhan Hồi, một người đệ tử tài hoa nhưng yểu mệnh.
Hoặc giả, sao nàng không như cậu Đồng Ô,12Đồng Ô, con trai của Dương Hùng, đời Hán, tác giả “Thái huyền kinh” nổi tiếng. Đồng Ô thông minh, nhưng yểu; chết vừa 9 tuổi. Về sau, những trẻ thông minh nhưng yểu được gọi là Đồng Ô. chồi non chưa kịp trổ thành mạ xanh? Dục nhi bất miêu giả ngô gia Đồng Ô hồ? Cửu linh nhi dữ ngã huyền văn hồ? Nuôi nhưng không trổ bông, là Đồng Ô của nhà ta đấy ư? Mới chín tuổi là đã có thể cùng ta luận bàn những lẽ huyền vi.
Ông tự hận là mình không có phương thức sống lâu nghìn tuổi để níu thời gian ngừng lại. Khi nàng ra đi, ông chỉ có một môn Thiền Tiểu tặng nàng mà thôi. Một chút thương tâm, mong đền trả nàng món nợ ân tình cũ. Chỉ trong thoáng chốc mà duyên ba sinh từ nay dứt tuyệt. Nàng trở về với lòng đất, yên nghỉ dưới khóm trúc. Ban đêm, trong ánh đèn, ân cần vái lạy Tiên trong tháp.
Triêu Vân mất tháng 7. Tháng 10 năm đó, hoa mai nở rộ nơi đất Huệ châu, ông làm bài từ theo điệu Tây giang nguyệt, như âm thầm hoài vọng Triêu Vân. Nàng như tiên nữ từ cõi Bồng lai đến.
Bài từ đó vịnh hoa mai như sau:
西江月
玉骨那愁瘴霧
冰肌自有仙風
海仙時遣芳叢
倒掛綠依幺鳳
素面常嫌粉
洗妝不褪殘紅
高情已逐曉雲空
不與梨花同夢
Tây giang nguyệt
Ngọc cốt na sầu chương vụ
Băng cơ tự hữu tiên phong
Hải tiên thời khiển thám phương tòng
Đảo quải lục y yêu phượng
Tố diện thường hiềm phấn uyển
Tẩy trang bất thốn tàn hồng
Cao tình dĩ trục hiểu vân không
Bất dữ lê hoa đồng mộng
Trong đó có cả hoa và chim. Hoa mai và chim lục y yêu phượng;13Yêu phượng: chim có lông ngũ sắc hình dáng giống như chim phượng trong truyền thuyết nên gọi là “yêu phượng”. Mỗi khi ngô đồng trổ hoa, loài chim này tụ tập trên cây đồng, do dó cũng gọi “đồng hoa phượng”. loài chim mỏ đỏ, lông xanh, mỗi khi đậu thì treo ngược trên cành. Chúng là sứ giả của thần tiên trên đảo Bồng lai, ngoài khơi Đông hải.
Huệ châu ở vùng cực nam Trung hoa; đất Lĩnh nam nhiều chướng khí. Hơi núi và sa mù nườm nượp trong những tháng lạnh. Mùa đó, từ tháng 10, hoa mai đã nở. Nhưng cốt cách của mai là tuyết ngọc nên không ngại ngùng sa mù và chướng khí ở đó; và da trắng như băng giá, hoa mai đã sẵn cái phong vận thần tiên. Là hoa mai, và cũng có thể là Triêu Vân, cái đó chưa cần vội vã. Thơ không ngụ ý, và người đọc thơ khỏi cần đi tìm ngụ ý của thơ.
Hoa mai đất Lĩnh nam nở nụ màu hồng. Nụ hồng và lá xanh, có giống như những con lục y yêu phượng? Hoa và chim, có thể là một, có thể là hai; tùy cảm hứng của người đọc.
Nhưng bây giờ là mùa mà các thần tiên ngoài hải đảo sai sứ giả đi tìm các cụm cây non trong đất liền; cho nên trên cành thấy treo ngược những con phượng nhỏ khoác bộ cánh như màu áo xanh:
Ngọc cốt na sầu chương vụ
Băng cơ tự hữu tiên phong
Hải tiên thời khiển thám phương tòng
Đảo quải lục y yêu phượng14Xương là ngọc thì ngại gì sương gió; Da là băng, phong vận thần tiên. Khi tiên ngoài đảo sai sứ đi tìm những khóm hoa thơm. Con phượng nhỏ khoác áo xanh treo ngược trên cành.
Cả bốn câu của bài tứ tuyệt không một lời nào để ngụ một ẩn tình nào đó. Cái đó tạm thời hãy cứ cho nằm đó. Bây giờ nên đọc chơi những bài thơ vịnh hoa mai của ông. Ba bài thơ làm dưới đình Tùng phương, mùa mai nở rộ, đề ngày 26 tháng 11 năm giáp tuất, ông 59 tuổi. Trước Triêu Vân mất ba năm.
Bài thứ nhất
春風嶺上懷南村
昔年梅花曾斷魂
豈知流落復相見
蠻風雨愁黃黃昏
長條半落荔枝浦
臥樹獨秀光榔園
豈惟幽光留夜色
直恐冷豔排冬溫
松風亭下荊棘裏
兩株玉蕊明朝暾
海南仙雲嬌墮砌
月下縞衣來扣門
酒醒夢覺起繞樹
妙意有在終無言
先生獨飲勿嘆息
幸有落月窺清樽
Xuân phong lĩnh thượng Hoài nam thôn
Tích niên mai hoa tằng đoạn hồn
Khởi tri lưu lạc phục tương kiến
Man phong Đản vũ sầu hoàng hôn
Trường điều bán lạc lệ chi phố
Ngọa thọ độc tú quang lang viên
Khởi duy u quang lưu dạ sắc
Trực khủng lãnh diễm bài đông ôn
Tùng phong đình hạ kinh cức lý
Lưỡng chu ngọc nhụy minh triêu thôn
Hải nam tiên vân kiều đọa thế
Nguyệt hạ cảo y lai khấu môn
Tửu tỉnh mộng giác khởi nhiễu thọ
Diệu ý hữu tại chung vô ngôn
Tiên sinh độc ẩm vật thán tức
Hạnh hữu lạc nguyệt khuy thanh tôn
Thôn Hoài nam ngọn giáo ngàn bạt đỉnh;
Từng năm xưa hồn rụng mai vàng.
Rồi lưu lạc ai ngờ là ước hẹn;
Gió Mường mưa Mọi sầu phủ chiều hoang.
Phố lệ chi canh dài nghiêng đổ nữa15Một nhánh mai vườn qua bên vườn lệ chi.
Vườn quang lang cây tú lệ nằm không.16Quang lang: cây đoát. Chỉ có gốc mai nằm trong vườn cây quang lang lá tươi tốt.
Còn ngại lắm bởi màu đêm ủ rủ;
Và lạnh lùng xua chút ấm tàn đông,
Đình tùng phong với rừng gai dưới đó;
Hai nàng mai ngà ngọc đón hừng đông.
Tiên mây Hải nam yêu kiều rơi xuống;
Choàng áo the gõ cửa dưới màn trăng
Rượu tỉnh mơ tàn vòng cây tản bộ
Y tình tuyệt diệu lời ẩn toàn không
Tiên sinh độc ẩm đừng than thở
Một mảnh trăng rơi đáy rượu nồng
Bài thứ hai
羅浮山下梅花村
玉雪為骨冰為魂
紛紛初疑月掛樹
耿耿獨與參黃昏
先生索居江海上
悄如病鶴栖荒園
千香國豔肯相顧
蓬萊宮中花鳥使
綠衣倒掛扶桑暾
抱叢窺我方醉臥
故遣啄木先敲門
麻姑過君及洒掃
鳥能歌舞花能言
酒醒人散山寂寂
惟有落月窺空樽
La phù sơn hạ mai hoa thôn
Ngọc tuyết vi cốt băng vi hồn
Phân phân sơ nghi nguyệt quải thọ
Cạnh cạnh độc dữ Sâm hoàng hôn
Tiên sinh sách cư giang hải thượng
Tiễu như bịnh hạc thê hoang viên
Thiên hương quốc diễm khẳng tương cố
Tri ngã tửu thục thi thanh ôn
Bồng lai cung trung hoa điểu sứ
Lục y đảo quải phù tang thôn
Bảo tòng khuy ngã phương túy ngọa
Cố khiển trác mộc tiên xao môn
Ma cô quá quân cấp sái tảo
Điểu năng ca vũ hoa năng ngôn
Tửu tỉnh nhân tán sơn tịch tịch
Duy hữu lạc nguyệt khuy không tôn
Dưới núi La phù Mai hoa thôn.17Núi La phù, thuộc địa phận tỉnh Quảng đông. Truyền thuyết nói, có một ngọn núi trong nhóm núi Bồng lai trôi đến đây, hợp với núi La thành một hòn núi, gọi chung là La phù. Được Đạo giáo xem là động Trời thứ bảy. Xưa, tiên ông Cát Hồng ở trên núi này luyện được tiên thuật.
Tuyết ngọc là xương băng là hồn.
Phơi phới ngỡ chừng trăng gác ngọn;
Trơ vơ như sao Hôm hoàng hôn.
Tiên sinh lênh đênh đời sông biển,
Rầu như hạc ốm đậu vườn hoang.
Hương trời sắc nước không buồn ngó;
Biết ta rượu mùi, thơ ấm trong.
Trong cung Bồng lai hoa chim làm sứ18Hoa điểu sứ: Đường Huyền Tông sai sứ đi khắp nơi tìm mỹ nữ tiến nạp về cung. Sứ giả này được gọi là “hoa điểu sứ”.
Áo xanh treo ngược cây dâu hừng đông19Nguyên chữ Hán: Phù tang thôn. Truyền thuyết nói, trong biển đông, có một cây thần mộc, là chỗ mặt trời mọc, gọi là cây phù tang, vì một cặp cây dâu dựa vào nhau.
Ôm cây liếc ta đang say nằm đó;
Mổ cây gõ cửa nhắn đợi sẵn sàng.
Tiên bà20Nguyên chữ Hán: Ma Cô, tên một vị Tiên nữ trong truyền thuyết. qua đây hãy lo quét tước;
Chim hay ca múa, hoa biết nói năng.
Rượu tỉnh, người tan, non vắng vẻ;
Hững hờ nhị rụng đáy ly không.
Bài ba, không trích ở đây.
Trong các bài thơ đó, hoa mai khi lộ liễu, khi e dè; khi bát ngát, khi đìu hiu. Kỳ thực, ở đây là cả một cuộc đời, xa và rộng; một trời thơ mở rộng vô ngần. Nhưng hoa mai đã lên nguồn cảm hứng; vì cốt cách tuyết ngọc, vì phong vận thần tiên. Gương mai không cần tô điểm phấn son; cánh rã mà nụ hồng còn thắm. Tình nơi hoa mai bốc lên cao vút tận trời, đẹp như những đám mây trong nắng sớm, trong ngát tạnh từng không:
Sắc tươi thắm để hờn ghen son phấn;
Gột điểm trang môi nụ vẫn hồng.
Tình chơi vơi như mây sớm tầng không;
Chẳng thể cùng hoa lê đồng mộng
(Tuệ Sỹ dịch thơ, vế II của bài từ đã dẫn).
Tình hoa mai tráng lệ và huy hoàng là như thế. Mà chân tình một thuở của Triêu Vân cũng là như thế. Tình không là cõi mộng, không là những cánh hoa lê nườm nượp như mây trời trong mộng. Cuộc tình chưa rã, thì cuộc tình như giấc mộng đăm chiêu. Khi cuộc tình bỏ đi, mộng sẽ bốc thành mây trời trong nắng sớm. Tình và mộng; đến và đi như chưa từng có. Duyên và nợ; có như chưa từng đến và đi. Nợ ân tình trong một thuở, đem cái tấm lòng đày đọa truân chuyên ra để đền bù. Duyên tình mộng của nghìn năm, trong thoáng chốc, trong một cái búng tay, đã trở thành không không trong vĩnh cửu:
Thương tâm nhất niệm thiền tiền trái
Đàn chỉ tam sinh đoạn hậu duyên.
Xót xa một niệm đền duyên trước;
Một thoáng ba sinh dứt nợ sau.
Duyên nàng là duyên của Phật. Nàng đến, để làm thiên nữ tán hoa, rải hoa trời lên cõi thơ lồng lộng. Trước Triêu Vân mất một năm, lúc đó ông đã 60 tuổi, làm tặng nàng bài Từ theo điệu “Nê nhân kiều”:
白髮蒼顏
正是維摩境界空
方丈散花何礙朱
唇箸點
更髻還生彩
Bạch phát thương nhan
Chính thị Duy-ma cảnh giới
Không phương trượng tán hoa hà ngại
Chu thần trợ điểm
Cánh kế hoàn sinh thái
Da mồi tóc trắng, chính là cảnh giới của Duy-ma.21Xem chú thích 11. Cảnh giới đó là cõi đối biện thượng thừa; cõi im lặng vô ngôn bát ngát của cư sĩ Duy-ma-cật. Và cũng là cõi tịch mặc nhưng tráng lệ của thi ca. Căn nhà của Duy-ma-cật là khoảng rộng vuông vức một trượng; và là một phương trượng trống trải, nhưng đã chứa ba nghìn tòa sư tử; khách từ ba nghìn thế gới tụ lại để nghe một lời không nói của Duy-ma.
Và thiên nữ tại đó đã rải hoa trời tán thưởng một lời không nói; cũng tán thưởng luôn những lời có nói. Thiên nữ đó là Triêu Vân? Và cõi của một lời không nói đó là cõi thơ của ông?
Chư thần trợ điểm
Cánh kế hoàn sinh thái…
Một nụ son, nụ của hoa mai bé bỏng
Kết trên quấn tóc trở thành diễm lệ…
Tình nợ và tình thơ, giao nhau trong cõi tình mộng của những lời, hay của một lời, không nói.
Rồi tình nợ theo xác người trở về với cát bụi; tình thơ theo cõi mộng bốc cao:
Cao tình dĩ trục hiểu vân không.
Nàng gửi thân cát bụi nghìn đời dưới gốc thông. Ban đêm, hồn sẽ theo ánh đèn lên diện kiến với tiên trong cõi Phật:
Qui ngoại trúc căn vô viễn cận
Dạ đăng cần lễ tháp trung tiên
Nghìn năm sau, mùa xuân, rồi mùa thu, và một cánh én liệng mùa xuân ngang qua con nước mùa thu, và
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.
Bông liễu cứ triền miên vương vấn như tơ trời, lại bắt đầu từ một cõi mộng đơn sơ; rồi lân la nay khóm trúc mai chồi lan, nửa chiều tà nửa nắng quái; lần hồi từ phố chợ đến đồng quê, từ ân tình đầm ấm của quê hương đến phương trời đọa đày viễn mộng, để đến một cõi có hoa trời, có thiên nữ, và “Dạ đăng cần lễ tháp trung tiên” để xin nghe một lời trong tịch mặc vô ngôn. Sơn cùng lộ tuyệt, thơ của ông ở đây ư? Có thể ở đó, hoặc ở chỗ
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
(Bùi Giáng)
3
十年生死兩茫茫
不思量
似難忘千
里孤墳
無處話悽涼
縱使相逢應不識
塵滿面
鬢如霜
夜來幽夢忽還鄉
小軒雙正
梳妝相顧
無言
唯有淚千行
料得年年腸斷處
明月夜
短松岡
Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
Bất tư lương,
Tự nan vong.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương.
Túng sử tương phùng ưng bất thức,
Trần mãn diện,
Mấn như sương.
Dạ lai u mộng hốt hoàn hương.
Tiểu hiên song.
Chánh sơ trang.
Tương cố vô ngôn,
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
Minh nguyệt dạ,
Đoản tùng cương.
Mười năm trôi đi, hai ngã sống và chết chia đôi biền biệt
Dù không nghĩ tới,
Mà cũng không sao quên được.
Nấm mồ đơn chiếc xa xôi,
Lạnh lẽo nói làm sao cho xiết.
Dù có gặp nhau rồi cũng chẳng nhận ra nhau:
Gương mặt đầy cát bụi,
Tóc mai đã bạc trắng như sương.
Đêm qua trong giấc mộng u buồn, chợt thấy trở về quê cũ.
Đứng tựa cánh cửa sổ.
Lúc đó bà đang gỡ tóc. Nhìn nhau không nói,
Chỉ có nước mắt tuôn trào.
Tưởng chừng năm năm đứt ruột,
Mỗi lúc đêm trăng sáng,
Trên đồi thông bóng ngả.
Trên đây là bài Từ làm theo điệu “Giang thành tử”. Ông có ghi chú nhỏ: “Năm Ất Mão (1074), tháng giêng, ngày 20, ban đêm, ghi lại giấc mộng”. Năm đó, ông 40 tuổi, làm quan ở Mật châu;22Tống Thần Tông, Hy ninh năm thứ 4 (1071), Đông Pha được đưa ra làm Thông phán Hàng châu để tránh xung đột với tể tướng Vương An Thạch. Năm 1074, ông lại được thuyên chuyển qua Mật châu. Bấy giờ, vợ trước của ông, bà Vương Phất chết đã được 10 năm. vợ chánh thất của ông, Vương thị, Thông Nghĩa Quận quân, mất đã đúng 10 năm:
Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
Bà đối với ông, tình duyên và tình nợ thì có; mà tình thơ thì không. Nhưng, bà mất 10 năm, mà tình nhớ nhung của ông vẫn còn cay đắng. Rồi tình đó phát hiện thành lời thơ, thì cũng là tình thơ vậy.
Bảy năm sau đó nữa, khi xuôi dòng Trường giang, dạo chơi Xích bích, vẫn thấy còn phảng phất một mối ngậm ngùi hoài vọng:
故國神遊
多情應笑我
早生花髮
Cố quốc thần du
Đa tình ưng tiểu ngã
Tảo sinh hoa phát.
Hồn thả về chơi cố quận
Bạn tình chung có lẽ cười ta
Chưa chi đầu đã bạc
Bạn tình chung, hay khách đa tình nơi cố quận, là vong hồn bà Vương thị.
Nước Trường giang ào ạt đổ xuống: “Đại giang đông khứ”, bài Từ đó là cả một phong độ kiêu hùng nơi ông.
大江東去
浪濤盡
千古風流人物
…
亂石崩雲驚
濤洌岸捲起
千堆雪江山
如畫
一時多少英雄
Đại giang đông khứ
Lãng đào tận
Thiên cổ phong lưu nhân vật
…
Loạn thạch băng vân
Kinh đào liệt ngạn
Quyển khởi thiên đôi tuyết
Giang sơn như họa
Nhất thời đa thiểu hào kiệt23Dịch xuôi: Con sông Lớn (tức Trường giang) chảy về Đông. Sóng cả cuốn trôi hết thảy nhân vật phong lưu thiên cổ… Đá loạn, mây băng, sóng gào thét kinh hồn, xẻ đôi bờ bến; tung lên hàng ngàn đống tuyết. Non sông như tranh vẽ (vẫn còn đó), mà bao nhiêu hào kiệt một thời (nay còn đâu).
Giữa cái kiêu hùng đó còn vấn vương một sợi tơ trời. Thì đó cũng là một cõi mộng đơn sơ, trong con mắt hùng thị tất cả anh hùng vạn đại.
4
Những tháng cuối năm canh thân (1080), ông ngồi tù trong ngục Ngự sử.24Xem chú thích 1. Miệng ông nó đày đọa thân ông. Ngồi tù trên ba tháng, được thả ra; bị cách chức, cho làm Hoàng châu25Nay là một huyện thuộc tỉnh Hà bắc. Đoàn luyện phó sứ; đời Tống, đó là một chức hờ. Rồi bị an trí, tức là bị đày, ở Hoàng châu. Vừa đến Hoàng châu, ông làm bài thơ tự trách:
自笑平生為口忙
老來事業轉荒唐
Tự tiếu bình sinh vị khẩu mang
Lão lai sự nghiệp chuyển hoang đường
Bình sinh vì cái miệng mà mang họa; càng về già, sự nghiệp càng trở nên hoang đường.
Ông bị đày ở Hoàng châu từ đầu năm ông vừa 45 tuổi cho đến năm 49 tuổi. Trong 5 năm trời đó, Hoàng châu không khổ đày đọa như ở Huệ châu và Đam nhĩ (tức Hải Nam) sau này. Nhưng cái cảnh làm ruộng của ông cũng khá nhiều khổ nhọc.26Vì chức Đoàn luyện phó sứ chỉ là hư hàm, nên ông không được cấp lương. Nhà cửa cũng không có. Quan Thái thú quý mến ông, cho mượn nhà khách của quan, đặt tên là đình Làm cao, để gia đình ông ở trọ. Người bạn trung thành của ông là Mã Mộng Đắc xin Thái thú cấp đất hoang cho ông, và giúp ông làm ruộng. Ông tự bảo, bình sinh đi kiếm ăn bằng cái nghiên mẻ; hận là đã không học nghề làm ruộng. Cũng trong thời gian đó, thơ ông lại phiêu bồng bát ngát.
Khi vừa đến Hoàng châu, ông ngụ cư tại chùa Định huệ một thời gian ngắn, chưa đầy một năm, thì dời sang Lâm cao đình. Lúc ngụ tại chùa Định huệ, ông có bài thơ vịnh hải đường, tả cốt cách thanh cao và ẩn dật của hải đường, giữa các thứ hoa rừng hoa dại thô tục. Bài thơ đó quả tình là một cảm hứng trác việt (đọc ở phần Những phương trời lữ thứ). Cũng trong thời gian đó, ông làm bài Từ được trích ở dưới đây, mà người ta đã bàn bạc phân vân về ngụ ý của ông. Bài Từ làm theo điệu “Bốc toán tử”. Đầu bài Từ, có ghi chú nhỏ của ông: “Làm khi ngụ cư tại chùa Định huệ ở Hoàng châu”. Bài Từ đó như sau:
缺月掛疏桐
漏斷人初靜
誰見幽人獨往來
飄渺孤鴻影
驚起卻回頭
有恨無人省
簡盡寒枝不肯栖
寂寞沙洲冷
Khuyết nguyệt quải sơ đồng,
Lậu đoạn nhân sơ tỉnh.
Thùy kiến u nhân độc vãng lai,
Phiêu diễu cô hồng ảnh
Kinh khởi khước hồi đầu,
Hữu hận vô nhân tỉnh.
Giản tận hàn chi bất khẳng thê,
Tịch mịch sa châu lãnh.
Trăng sơ huyền treo trên ngọn ngô đồng thưa lá.
Trời khuya, người bắt đầu thưa vắng, chỉ nghe tiếng tí tách
Của đồng hồ canh chừng giờ đêm.
Chỉ thấy ẩn sĩ một mình đi lui đi tới,
Thấp thoáng như bóng chim hồng lẻ loi.
Giật mình quay đầu nhìn lại,
Ngậm ngùi giữa lúc mọi người đang say ngủ.
Lần lựa hết những cành cây trơ trọi, mà không chịu đậu,
Một mình bơ vơ trên cồn cát.
Dịch dài dòng luộm thuộm như thế, để tìm thử cái ngụ ý hay thác ý gì không. Bài Từ hoàn toàn vịnh con chim hồng lẻ loi, lang bạt. Từ cành này đến cành cây khác, mà không bao giờ chịu đậu lại. Xưa nay, chim hồng có lúc nào lại chịu đậu trên cành cây? Nó đứng trơ vơ trên cồn cát:
Giản tận hàn chi bất khẳng thê
Tịch mịch sa châu lãnh.
Những câu chuyện chung quanh bài Từ đã kể khác.
Tại Hoàng châu, có người con gái của bà Vương thị. Nàng tên là Siêu Siêu, cũng khá có nhan sắc, 16 tuổi mà không chịu lấy chồng. Đông Pha bị biếm trích ra ở Hoàng châu. Biết tin ông đến, nàng mừng lắm. Ông ngụ tại chùa Định huệ. Đêm đêm nàng lén đến núp ngoài cửa sổ, bồi hồi nghe ông ngâm thơ. Ông thường chong đèn đêm, đi qua đi lại ngâm thơ một mình. Khi ông hay có người rình nghe ngoài cửa sổ, ông đẩy cửa sổ ra, nàng trèo tường bỏ chạy. Ông đuổi theo, bảo: “Sẽ gọi Vương lan đến làm sui gia”.
Thế thì, lời trong thơ là ý thác cho nàng Siêu Siêu. Nhưng bóng con chim hồng trong đó vẫn là bóng của ông:
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
(Kiều)
Đó thức là cõi phiêu bồng của phương trời viễn mộng. Tình thơ nồng đượm, nhưng tình duyên hay tình nợ thì không không.