Trình bày tư tưởng triết học của đạo Phật như thế nào? Đó là câu hỏi được Giáo sư Takakusu nói lên ngay từ đầu, và tác phẩm được viết dưới sự chỉ đạo của nó. Trong bài Tựa cho bản dịch Việt ngữ này, tôi xin dành vài trang nói về sở kiến riêng của mình; như thế là cốt ý giải thích một cách gián tiếp về một vài xáo trộn của bản dịch, so với nguyên bản, về nguyên cái tựa đề của sách cũng như về lối bố trí nội dung.
Trước kia, các luận sư của Phật giáo có thói quen trình bày tư tưởng triết học của đạo Phật như một hệ thống toàn diện. Nghĩa là, trong hệ thống đó, tư tưởng Phật giáo bao trùm tất cả mọi trình độ sai biệt của thực tại. Người ta có thể thấy ngay rằng, trong truyền thống Luận tạng, có hai trình độ sai biệt của thực tại: Thực tại thường nghiệm và Thực tại siêu việt. Pháp sư Huyền Tràng, khi dịch luận Ku xá (Abhidarmakosasàtra), đã quy định ngay hai bình diện đó, coi như là nội dung và chủ đích của văn học Luận tạng; Pháp sư đã dùng hai từ ngữ rất chính xác: đối hướng và đối quán, đối quán lý Tứ đế trong phạm vi Thực tại thường nghiệm và đối hướng quả Niết bàn trong lãnh vực của Thực tại siêu việt. Theo cách trình bày đó, văn học Luận tạng như là nỗ lực hướng dẫn tư tưởng đi đến chỗ trực giác thẳng vào bản chất hiện hữu của thực tại trên tất cả các trình độ sai biệt của nó. Lý tưởng thì như thế, nhưng trên thực tế, các luận sư cổ đại chỉ hoàn toàn căn cứ trên Tứ đế để bố trí hệ thống tư tưởng triết học của họ. Bởi vì, chính Tứ đế đã bố trí ngay hai trình độ của thực tại rồi. Đằng khác, cách bố trí ấy cho thấy mối quan hệ nhân quả rất chặt chẽ giữa các hiện hữu. Khổ đế và Tập đế là quan hệ nhân quả trong trình độ thông tục; Diệt và Đạo đế là mối quan hệ nhân quả trong trình độ siêu việt của thực tại. Chính sự kiện ấy đã gây ảnh hưởng quan trọng cho các luận sư của Đại thừa. Khi họ phát triển quan niệm rằng Thực tại siêu việt chính là Thực tại thường nghiệm, với khẩu quyết bất hủ: Sinh tử tức Niết bàn. Ngay cả như Long Thọ (Nãgãrjuna), luận sư vĩ đại đầu tiên của Đại thừa, mà cũng bố trí nội dung tác phẩm của mình căn cứ trên các tương quan nhân quả của Tứ đế. Các nhà Phật học Trung Hoa đã nhận ra điểm này. Trở lên xa nữa, có thể thấy một bản kinh ngắn nhất của văn học Bát nhã, đó là Tâm kinh, cũng bố trí nội dung căn cứ trên Tứ đế. Xem thế thì vai trò của Tứ đế rất lớn, ngay cả trên phương diện khảo cứu tư tưởng triết học. Ngày nay, khi người Tây phương mới bắt đầu nghiên cứu đạo Phật, cho đến vấn đề tế toái như hỏi đạo Phật là bi quan hay lạc quan, người ta không có cách nào giải quyết thích đáng hơn là căn cứ trên các tương quan nhân quả của Tứ đế. Thậm chí có người lại muốn khai triển tương quan đó như là phương pháp của khoa học thực nghiệm; cái đó có thể quá vụn vặt, đôi khi không tránh khỏi ấu trỉ và khôi hài, nhưng cũng cho thấy tầm mức quan trọng của nó. Tuy nhiên, các nhà Đại thừa về sau, kể từ khi phái Duy thức bắt đầu gây thanh thế, họ cố tình coi thường giá trị của Tứ đế, khiến cho các điểm then chốt trong hệ thống của họ gần như đoạn tuyệt hẳn với truyền thống nguyên thủy; nếu không nhờ qua trung gian của Long Thọ, có lẽ người ta khó mà hiểu các nhà Đại thừa này đáng được liệt kê vào hàng các luận sư của Phật giáo hay không. Đây là một điểm rất tế nhị, gây nhiều phiền toái cho những người khảo sát về sự diễn tiến của tư tưởng Phật giáo trên quan điểm luận giải triết học.
Tại Trung Hoa, các luận sư Phật học ít chú trọng đến cách bố trí tư tưởng triết học Phật giáo như một hệ thống toàn diện. Hầu hết, họ quy tụ quanh phương pháp bố trí một thể hệ tư tưởng sử. Dù nói là sử, nhưng họ cũng không chú trọng mấy về những dữ kiện thực tế được phát triển thuận hành theo thời gian. Nghĩa là, họ bố trí quá trình lịch sử tư tưởng trong dòng phát triển nội tại của nó. Chúng ta có thể đơn cử trường hợp điển hình như sau. Trên dữ kiện thực tế của lịch sử, Long Thọ là đại luận sư trước Thế Thân (Vasubandhu). Nhưng trong sự phát triển nội tại của tư tưởng, cùng một Thế Thân đó mà lại là hai, một Thế Thân của Luận bộ trước Long Thọ rất xa, và một Thế Thân sau Long Thọ rất xa. Cho nên, mặc dù họ biết rằng thời đại của Thế Thân là sau Long Thọ, nhưng Ku xá tông mà họ thiết lập căn cứ trên một tác phẩm của Thế Thân lại được liệt kê như là một nền tư tưởng có trước Trung quán của Long Thọ. Đây cũng là một điểm rất tế nhị. Nếu nói, như họ thường nói, Ku xá tông là sự bế tắc cùng độ của tư tưởng đã đưa đến sự hình thành của Trung quán; làm sao có thể giải thích cho xuôi điều đó, nếu bám sát vào dữ kiện thực tế của lịch sử? Theo đó, chúng ta khám phá một cách tích cực rằng, tư tưởng không hề bị chi phối bởi diễn tiến của thời gian, nó là vấn đề then chốt trong khát vọng kỳ cùng của nhân sinh; thành ra không có vấn đề khởi sáng hay lạc hậu. Tất cả tùy thuộc vào thiên tài của tư tưởng gia. Ông không phải là người đi trước hay đi sau của thời đại và lịch sử. Ông nói tiếng nói thiết yếu nhất của con người.
Sau này, khi đọc các đoạn Giáo sư Takakusu trình bày về các tông phái Phật giáo, đặc biệt tại Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy lại, nếu để ý, các quan niệm về lịch sử tư tưởng như đã nói.
Những điều được trình bày đại khái trong bài tựa này, như ở trên, chỉ đề cập đến hai quan niệm điển hình cho giải đáp về câu hỏi: trình bày quan điểm triết học của đạo Phật như thế nào? Một cách nào đó, chúng là những quan điểm hơi xưa một chút. Các nhà Phật học ngày nay ít ai theo các lối đó. Các tác giả Tây phương đa số trình bày theo diễn tiến các dữ kiện thực tế của lịch sử. Riêng các nhà Phật học Trung Hoa, kể từ đầu thế kỷ này, họ có lối trình bày khác hẳn. Lối trình bày thông dụng nhất là liệt kê từng tông phái một. Đây không phải là điều mới mẻ. Các nhà Trung Hoa xưa cũng đã sử dụng, chỉ có điều không thông dụng mà thôi. Theo đó, mỗi tông phái được phát triển tại Trung Hoa là một thể tài tư tưởng triết lý của đạo Phật. Có tất cả mười tông phái, gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa, như vậy là có mười thể tài tranh luận tư tưởng trong Phật giáo.
Trước đây, tại Việt Nam, đã có ít nhất hai bản dịch về lối trình bày này. Cuốn đầu tiên, Phật giáo khái luận, do Thầy Mật Thể dịch. Cuốn thứ hai Đại cương triết học Phật giáo do Thầy Đạo Quang dịch. Đối với những vị đã từng đọc hai bản dịch đó, thì tác phẩm của Giáo sư Takakusu không đề ra một phương pháp mới mẻ nào, như Giáo sư đã có ý nói trong chương Dẫn Nhập. Chỉ có điều, do kiến thức bác lãm, mà tác phẩm của Giáo sư chứa đựng những điểm xác đáng nếu được nhìn trên quan điểm của một học giả.
Trong bài tựa cho ấn bản Anh ngữ lần thứ nhất, Giáo sư Charles A. Moore, chủ nhiệm tờ Philosophy – East and West, một tờ báo quan trọng bậc nhất về các công trình đối chiếu tư tưởng Đông Tây; ông cho biết rằng, mùa hè 1939, các triết gia thế giới họp tại Viện Đại học Hawaii trong khóa Hội thảo Triết học Đông Tây, đã chọn tác phẩm này làm bản văn chính yếu để thảo luận. Kết quả của khóa Hội thảo được công bố trong tờ Philosophy – East and West, xuất bản năm 1944. Xem thế đủ thấy uy tín của tác giả và tác phẩm trong các sinh hoạt tư tưởng triết lý Đông Tây của thế giới ngày nay.
Vào khoảng năm 1966, tôi đã cho dịch và in hai chương đầu, đăng trong tạp chí Vạn Hạnh, do Thượng tọa Đức Nhuận làm chủ bút và chủ nhiệm. Cho đến niên khóa 1969-1970, khi phụ trách cho giảng khóa về các tông phái đạo Phật, tôi đã dịch một số chương liên hệ đến các tông phái quan trọng của Phật giáo, trên lãnh vực tư tưởng triết học, để làm tài liệu tham khảo cho sinh viên Phật học năm thứ nhất. Đến nay, Thượng tọa Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh có ý cho ấn hành trọn vẹn cả tác phẩm, để làm tài liệu khảo cứu Phật học cho sinh viên, nên tôi vội vã dịch những chương còn sót lại. Thời gian dịch rải rác như vậy, nên khó giữ tính cách nhất trí của hành văn. Dù có cố gắng sửa, có lẽ cũng không thành công mấy.
Ngoài ra, nguyên tựa của sách, đáng lẽ phải nói: “Tinh hoa của triết học Phật giáo”. Vì đó là chủ đích của tác giả. Nhưng, như tôi đã tự biện minh gián tiếp ở trên, căn bản của tác phẩm này là trình bày các tông phái của đạo Phật; và các chương viết về các tông phái đó là phần trọng yếu. Do đó, tôi mạo muội lấy tựa đề mới. Đổi đề tựa như vậy là làm xáo trộn chủ đích của tác phẩm một phần nào đó; nên tôi đổi luôn cả cách bố trí tác phẩm. Trong nguyên bản, sách được liệt kê theo thứ tự XV chương, kể cả chương Dẫn Nhập và Kết Luận. Bản dịch này chia các chương đó làm ba phần. Phần thứ nhất, Tổng Luận, trong đó trình bày những điểm then chốt của tư tưởng triết học của Phật giáo. Phần thứ hai, Các Tông Phái gồm XI chương viết về XI tông phái. Đáng lẽ chỉ có X tông phái căn bản của Phật giáo được phát triển tại Trung Hoa, nhưng Giáo sư thêm vào Nhật liên tông của Nhật Bản. Phần cuối cùng dành cho chương Kết Luận.
Về các dụng ngữ bằng tiếng Anh trong nguyên tác, thường là những dụng ngữ đang thời kỳ thăm dò của thế giới Tây phương để có một bộ danh từ chuyên môn khá đầy đủ cho các thuật ngữ Phật giáo. Chính vì các thuật ngữ được Giáo sư sử dụng đang thời thăm dò, nên chúng bộc lộ rất rõ quan điểm của Giáo sư trong đó. Điểm này gây một vài trở ngại cho công việc phiên dịch Việt ngữ. Nhưng tôi đã tùy tiện, hoặc dùng từ ngữ có sẵn trong Phật giáo Trung Hoa xưa nay, hoặc căn cứ trên nội dung từ ngữ của Anh văn mà Giáo sư sử dụng.
Xét trên quan điểm thưởng ngoạn, tác phẩm có thể ít hứng thú, nhưng trên khía cạnh học thuật và khảo cứu, tác phẩm có giá trị vượt bực. Ở đây, không chỉ trình bày riêng biệt từng tông phái của đạo Phật; mà Giáo sư cho chúng ta thấy các thể tài tư tưởng triết học của đạo Phật đã được khai triển như thế nào trong các tông phái đó. Một tác phẩm như vậy bắt buộc chúng ta phải học, hay khảo cứu kỹ, chứ không thể đọc để thưởng ngoạn chung. Nếu nắm vững những điều được sách trình bày, có thể nói chúng ta sẽ có căn cơ vững chãi để tiến vào những vấn đề khúc mắc trong toàn bộ tư tưởng triết học của Phật giáo. Chính ở chỗ đó, mà tác phẩm được liệt vào số những sách phải đọc trong chương trình Tiến sĩ Phật học của các Viện đại học thế giới.
Mong rằng một vài thay đổi của bản dịch Việt ngữ này không đánh lạc hướng nội dung của tác phẩm. Tất cả chỉ trông vào sự thông cảm của độc giả. Vậy nơi đây dịch giả xin chân thành cảm tạ trước về sự thông cảm đó.