Tuệ Sỹ

Tư tưởng là gì?

Tuệ Sỹ

1/ Tư tưởng không dẫn đến kiến thức như là khoa học;

2/ Tư tưởng không mang lại một sự khôn ngoan có ích cho sự xử thế;

3/ Tư tưởng không giải quyết một bí ẩn nào của thế giới;

4/ Tư tưởng không trực tiếp mang lại những thế lực cho hành động.

“Sa mạc lớn dần… khổ thay cho những ai ôm giữ sa mạc”

NIETZSCHE (M. HEIDEGGER Qu’appelle-t-on Penser)

I.

Để đi vào lãnh vực thâm sâu và tăm tối mà ở đó câu hỏi trong tiêu đề của bài này được nêu lên, chúng ta hãy lấy thí dụ.

Tạp chí này mang nhãn hiệu là TƯ TƯỞNG. Và trong những số của bộ mới, mỗi số trình bày một chủ đề. Cố nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu rõ rằng mỗi chủ đề đều mang một ý hướng nào đó. Nếu chúng ta có thể nói rõ hơn, thì trên mọi ý hướng, cái ý hướng then chốt là “đặt lại giá trị của…”. Nói khác đi, đó là ý hướng nhằm phá hủy những giá trị đã cũ của một cái gì đó và mang lại cho cái gì ấy một giá trị mới. Phải chăng giá trị của một sự thể chính là biểu lộ bản tính của sự thể ấy; biểu lộ như là xuất hiện, hiện diện với Hiện tại?

Trong bước đầu của sự đặt lại, cái ý niệm về sự đặt lại đã hàm ngụ rằng vấn đề được đặt ra đã hiện diện, đã gây một ảnh hưởng nào đó trên đời sống trí thức của chúng ta, và nói rộng thêm, trên đời sống thực hành của chúng ta. Cái gì có thể gây ra một ảnh hưởng như thế chắc chắn là cái xuất hiện với tư

cách một chủ thể tác động. Cái làm cho chủ thể tác động có thể xuất hiện để mà tác động được gọi là THỂ tính. Cái đó không là gì cả; chúng ta không thể nhìn thấy nó trong toàn thể tính của nó từ một thời phần hay một phương vị nào đó, nhưng vì điều chắc chắn đối với ta rằng cái đó nó đã gây nên một hiệu quả mà chúng ta có thể nhận ra được, cho nên chúng ta biết rằng có cái đó. Thể tính được biểu lộ bằng tác dụng của nó, nghĩa là bằng dụng tính. Và, tác động ấy được nhận ra bằng hiệu quả của nó. Trong chiều hướng này, sự biểu lộ của thể tính, đối với chúng ta, cũng là sự biểu lộ của cái đã xong, đã tựu thành.

Như vậy, đặt lại giá trị của một cái gì đó cũng có nghĩa là đặt lại một thể tính đã xong. Sự đặt lại như vậy cũng có nghĩa như là sự di chuyển. Chúng ta di chuyển một thể tính đã xong từ một vị trí này sang vị trí khác; bởi vì trước kia nó đã được đặt không đúng chỗ.

Chúng ta gọi cái chưa xong là khả thể và cái đã xong là hữu thể. Thể tính đã xong là hữu thể (étant); đó là thể tính luôn luôn như thế. Chúng ta không bằng lòng về hữu thể đó; chúng ta không bằng lòng về tác động mà nó gây ảnh hưởng trên đời sống hiện tại của mình, cho nên chúng ta muốn sửa đổi nó. Bởi vì nó luôn luôn như thế, nên chúng ta chỉ có thể sửa chứ không thể đổi, nghĩa là chúng ta sửa lại vị trí của nó. Hoặc giả, đổi ở đây cũng mang ý nghĩa thay đổi, tức là thay thế cái này bằng một cái khác, thay thế hữu thể này bằng một hữu thể khác.

Trong ngôn ngữ thường nhật, khi chúng ta nói rằng: “Kẻ ấy đã làm xong cuộc đời của nó”, là chúng ta muốn nói rằng kẻ ấy đã chết; bất cứ chết theo nghĩa nào:

Thôi còn chi nữa mà mong
Đời người đến thế là xong một đời

(Kiều)

Đời sống được coi là chấm dứt. Cái chưa đến không trông mong gì nó sẽ đến, vĩnh viễn không đến, cho nên cái đã qua cũng vĩnh viễn qua luôn. Những ngày còn lại là một cuộc phấn đấu cho cái đã qua trở lại, trở lại trong sự phản phục miên trường. Không trở lại như là cái đã xong và đã mất nay trở lại. Nghĩ rằng mình đã chết, nhưng vẫn thấy mình đang sống. Cái gì chứng tỏ cho ý thức rằng dù là đã chết nhưng lại đang sống, cái gì biểu lộ cho một tổng hợp kỳ diệu của đời sống như thế? Ấy là:

Chữ trinh còn một chút này

(Kiều)

Tấm lòng trinh bạch thì đã chừa từ lâu, nhưng chữ trinh thì lại vẫn còn mãi mãi. Thể tính tự biểu lộ trong sự khép mở của nó là thể tính của cái đến  để mà đi, và đi là đi mất. Thể tính không biểu lộ thì không tồn tại, cho nên vẫn còn đó; không phải ở đó trong chiều hướng không và thời gian của tri thức thường nghiệm, mà ở đó là vì ở trong sự phơi mở – phơi mở nhưng không biểu lộ như là xuất hiện – của Thể tính. Nhưng con người đã không cưu mang thể tính trong vực thẳm tịch ngôn của nó; và tính thể bấy giờ phải tự biểu lộ trong tư thế khép mở của nó. Từ đó, tính thể là cái xuất hiện một lần là xuất hiện vĩnh viễn. Đây là thể tính của cái đã xong, cái đã chết.

Sự chết còn biểu lộ một sự hoang vu, chúng ta nói “phong cảnh chết chóc” chính là muốn nói một phong cảnh hoang vu. Phong cảnh hoang vu là nơi vắng bặt dấu vết của con người.

Chúng ta đặt lại một sự vụ, chính bởi sự vụ ấy đã và đang tạo nên một phong cảnh hoang vu không có bóng dáng con người trước mắt chúng ta. Chúng ta dời đổi sự vụ ấy đi nơi khác, và thay vào đó một sự vụ mới; dù sao, sự vụ mới mẻ này cũng phải là một sự vụ đã được làm xong, đã được thiết định xong. Chúng ta không đặt lại vấn đề, ngay cả trong đời sống thường nhật. Chúng ta cần có những dữ kiện mới để đặt lại vấn đề. Dữ kiện dù có là mới mẻ cũng là cái đã xong. Thế giới của chúng ta được thiết định bằng tất cả những dữ kiện như thế; và như vậy, thế giới mà chúng ta đang sống trong đó là một sa mạc:

“Sa mạc lớn dần… khổ thay cho những ai ôm giữ sa mạc”. (Nietzche, do Heidegger trích trong sđd).

Thế giới của chúng ta là một phong cảnh hoang vu không có bóng dáng con người. Chúng ta sống và chỉ ý thức mình sống trong tương quan với hữu thể; chúng ta xử sự với hữu thể và hữu thể.

Chúng ta tư tưởng, nghĩa là chúng ta cưu mang điều gì đó với tư cách là điều đã được thiết định như là dữ kiện.

Có một tấm lòng trinh bạch thì đã chừa rồi, nhưng còn một chữ trinh ở đâu? Chúng ta tư tưởng, nghĩa là cưu mang cái đã qua. Sự đặt lại của chúng ta là nhắm đến một chủ đích ở phía trước, và cung cách đặt lại của chúng ta là  lùi lại phía sau. Thể tính là một vực thẳm mịt mù. Chúng ta như những con chim đêm trước ánh sáng ban ngày. “L’être de l’étant est le plus brilliant, et pourtant nous le voyons pas de tout…” (sđd., tr. 85).

Tiếp tục thí dụ, chúng ta bước tới bước thứ hai.

Hành vi đặt lại của chúng ta bắt nguồn từ một tư tưởng nào đó, nghĩa là chúng ta đang tư tưởng. Chúng ta tư tưởng về hiện tượng thế giới chúng ta, và tư tưởng ấy thúc đẩy chúng ta hãy làm một cuộc sửa đổi thực tiễn, bắt đầu sửa đổi bằng lý thuyết rồi áp dụng lý thuyết vào thực hành.

Nói theo văn mạch kể trên thì chúng ta đang tư tưởng trong một thế giới hoang vu vắng bóng người. Cũng theo văn mạch ấy, và đây là điều có vẻ ngược ngạo, rằng chúng ta không tư tưởng. Chúng ta không tư tưởng vì chúng ta không là con người trong thể tính người. Chúng ta là con người của định nghĩa cổ điển: con người con vật (có lý tính): L’homme est l’animal non encore determine; l’animal rationnel n’est pas encore mis dans la plenitude de son être. (sđd., tr. 54).

Chúng ta không tư tưởng, không phải vì chúng ta không có cái tư tưởng để mà tư tưởng, nhưng vì cái đó lẩn tránh chúng ta. Bởi vì cái tư tưởng đích thực thì ẩn giấu, lẩn khuất, không biểu lộ; cái biểu lộ chỉ là tác dụng công dụng của nó. Chúng ta đặt lại vấn đề; và chủ đích được nhắm đến là hiệu quả của cung cách đặt lại vấn đề sẽ xảy ra như thế nào. Mọi cái xuất hiện cho ta chỉ có ý nghĩa ở cái công dụng của nó, nghĩa là chúng xuất hiện với tư cách là Dụng tính (Zuhandensein) chứ không như là Thể tính. Chúng ta tư tưởng, nói thế cũng có nghĩa là chúng ta cưu mang Dụng tính, nghĩa là cưu mang tính cách ích dụng mà một sự thể, một vật hay một người, có thể mang lại cho ta. Nói cách khác, chúng ta cần đến những máy móc hơn là cần đến con người trong thể tính người của nó. Nếu chúng ta nói: chúng ta tư tưởng về cái tư tưởng, cố nhiên cái tư tưởng ấy xuất hiện trong thể tính của nó, dù xuất hiện trong tư thế lẩn khuất, ẩn giấu của nó, nhưng thực sự, cái ấy không xuất hiện như là dụng tính, do đó, không phải rằng chúng ta đang tư tưởng mà thực sự chúng ta đang tính toán.

Đặt lại vấn đề là nhắm đến một chủ đích nào đó ở phía trước, nhưng cung cách đặt lại thì lùi về sau. Càng đặt lại, càng lùi về sau (regression à l’infini). Ở đây chúng ta đang nói về sự vắng bóng của con người, nghĩa là đang nói đến cái không-tư-tưởng. Và như thế, nếu nói ở đây chúng ta đang tư tưởng, thì cái tư tưởng để chúng ta tư tưởng là cái không tư tưởng. Đây là một bước nhảy lùi trong cung cách tư tưởng của chúng ta. Bước nhảy lùi ấy cũng nằm trong cung cách đặt lại vấn đề của chúng ta.

Bây giờ chúng ta trở lại thí dụ như trên để có thể nói thêm về cái không tư tưởng ấy. Cái tư tưởng của chúng ta là cái không tư tưởng, bởi vì chúng ta đến với nó với nhãn hiệu của nó chứ không phải đến với chính nó. Nếu có thể nói rõ hơn, thì chúng ta đến với hiệu quả của nó chứ không với chính nó. Thí dụ của chúng ta là tờ báo TƯ TƯỞNG. Chữ tư tưởng ở đây là một nhãn hiệu, như nhãn hiệu thuốc bổ Révitalose chẳng hạn. Tác dụng của nhãn hiệu là mời gọi, nhưng không cần phải có người mời gọi. Một nhãn hiệu không mang một ý nghĩa nào hết, nhưng nó hứa hẹn một hiệu năng nào đó. Hiệu năng của Révitalose là bồi bổ sức khỏe chẳng hạn. Không có cái-Révitalose đích thực mà chỉ có nhãn hiệu Révitalose. Cũng thế, ở đây không có cái- TƯ TƯỞNG đích thực (authentique) mà chỉ có nhãn hiệu TƯ TƯỞNG. Chúng ta là một nhãn hiệu, một dấu hiệu, không có ý nghĩa (sđd., tr. 28, 30).

Chúng ta đã đưa ra một thí dụ dài như trên hầu đủ để nhấn mạnh trên điểm nói rằng, như ngay ở lời mở đầu, lãnh vực tư tưởng là lãnh vực thâm sâu và tăm tối. Bởi vì những bước đi của chúng ta trong cung cách đặt lại vấn đề là những bước thụt lùi. Và bởi vì cái tư tưởng ở đây là cái không-tư-tưởng. Người viết TƯ TƯỞNG, người đọc TƯ TƯỞNG, tất cả đều chứng tỏ nhãn hiệu TƯ TƯỞNG nói lên cái không tư tưởng. Tiến thêm một bước, nghĩa là thụt lùi một bước nữa, chúng ta nói, người đọc TƯ TƯỞNG và người viết TƯ TƯỞNG tất cả đều mang cái-không-tư-tưởng lại cho TƯ TƯỞNG.

II.

“Làm thế nào để đặt lại…?” Và nói rõ hơn, “Làm thế nào để đặt lại vấn đề?” Câu hỏi của chúng ta mang hai khía cạnh: nó được diễn ra trong tính cách biểu lộ của cái được nói đến, và diễn ra trong chính thể tính của cái được nói đến. Tất cả những câu hỏi chỉ có thể hình thành nếu nó được diễn ra trên một căn bản thể luận và chỉ được nhận thức bằng nhận thức thể luận (connaissance ontologique).

“Làm sao để đặt lại vấn đề?” Câu này không mang một hình thức thể luận (question ontologique), nhưng chắc chắn là nó được đặt trên căn bản thể luận (ontology fondamentale): bởi vì, nó là cung cách biểu lộ bằng tác dụng của một mệnh đề thể luận chứ không phải là thể tính của chính mệnh đề thể luận ấy.

Thế nào là một vấn đề, một câu hỏi, nghĩa là vấn đề được biểu lộ như thế nào? Nói một cách tổng quát: Cái ấy được biểu lộ như thế nào? Trên phạm vi vật thể luận (ontique), Cái ấy được xác định như là hữu thể (étant), nghĩa là, Cái ấy, cái xuất hiện ở đó trong tính cách vĩnh viễn như là như thế (vĩnh viễn như bây giờ và ở đây, Nunc Stant). Hữu thể ở đây được coi như là tồn thể, l’être-subsistant. Cái (hữu thể) được biểu lộ như thế mới có thể biểu lộ cho tri thức thường nghiệm. Tương quan giữa cái ấy và ta là một tương quan ngoại tại, tương quan giữa cái này nằm cạnh cái kia. Do đó, ta như một chủ thể đặt vấn đề, và cái ấy, như là cái được hỏi, cả hai đều là những vật thể cố định, bởi do tính cách xuất hiện đó, cái này cạnh cái kia trong thế giới vật thể, tương quan giữa ta và cái ấy hoàn toàn là tương quan tác dụng; và bởi vậy, mọi câu hỏi của chúng ta dều nhắm đến công dụng của cái được hỏi. Ở đây là tác dụng trong một chiều hướng đã được thiết định xong, cho nên tương quan của nó cứng đọng như tương quan của các bộ phận trong một cái máy. Bởi vì ở đây  là thể tính đã thiết định xong, thể tính cố định, cho nên thể tính ấy không dung chứa nổi xúc cảm sâu xa của đời sống, cái xúc cảm biết mình sẽ chết và đang sống.

Tiền bất kiến cổ nhân Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du Độc sáng nhiên nhi lệ hạ.

(Trần Tử Ngang)

Và đấy cũng là xúc cảm về một hình ảnh bất định mà không gian và thời gian trong tri thức thường nghiệm không thể xác định nổi, nhưng chúng ta cảm nghiệm được bằng một tổng hợp kỳ diệu của nhận thức thể luận. Đây là hình ảnh của một quá khứ bỗng nhiên sừng sững trong hiện tại, âm thanh của nó vang vọng từ xa nhưng bóng dáng của nó mông lung như trước mặt:

Dường như bên ốc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng

(Kiều)

Cái bất định của một hình ảnh như thế cũng là tính cách bất định của thể tính. Thể tính là cái nhờ đó mà tính cách bất định có thể có, và ta có thể nhận thức được; mà thể tính ấy vẫn còn là một vực thẳm tịch nhiên. Về phía chúng ta, chúng ta chỉ nhìn qua tính cách bất định, rồi mới cảm nghiệm thể tính bất định của tịch nhiên bằng tương quan tác dụng:

Dường như bên ốc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng
Bởi lòng ghi tạc đá vàng
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây

(Kiều)

Nếu ta hiểu tương quan tác dụng ở đây trong lãnh vực giao hoán của xã hội, trong lãnh vực kiến thức khoa học, trong phạm vi xử thế, thì lời thơ ấy chỉ có thể là một lời thơ đẹp, một thứ đẹp hời hợt, không có chất sống. Và nếu phải nói có, thì đấy chỉ có sự sống trong một môi trường cố định. Từ đó, Dasein chỉ có thể hiện-thể trong một không gian ba chiều. Bởi vì, Dasein hiện-thể trong một không gian ba chiều nên thể tính của hiện thể Dasein là một hiện thể vật thể.

Tuệ Sỹ
(Bài đăng Tạp chí Tư Tưởng, bộ mới số 5, Viện Đại học Vạn Hạnh, tháng 10 năm 1969.) 1. Theo bản dịch Pháp văn của A. Becker và G. Grandel, 2e ed. PUF, Paris 1967. Những ghi chú (sđd) sau đây đều chỉ cho tác phẩm này.
Nguồn: Tuệ Sỹ. Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tập II. NXB Hồng Đức, quý I năm 2015, tr. 46-54.

một số tác phẩm

của Hoà thượng Tuệ Sỹ

xem tiếp đề mục: