Tuệ Sỹ

Đến với thơ Hoàng Cầm từ ngôn ngữ Pháp

Tuệ Sỹ

Em đừng lớn nữa
Chị đừng đi

Je ne grandirai pas
Ne pars pas, ma bien aimé

Đây không hẳn là chân lý hiển nhiên hay phổ quát, nhưng người đọc thơ Hoàng Cầm, trong đại đa số hay một số ít, có thể cảm nhận rằng cũng có một thời kỳ lịch sử mà trong đó ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền thông: truyền thông mệnh lệnh, truyền thông thái độ phục tùng, truyền thông thông tin, trao đổi thường nhật. Tuy vậy, trong một chiều dài lịch sử, khi mà người đọc nhận thấy mối quan hệ khắng khít giữa một cá nhân với một tập thể, và cả dân tộc là tính thể của lịch sử. Trong dòng chảy của thơ, đó là chuỗi vận hành của sử tính.

Ngẫu nhiên mà tôi có ý tưởng như vậy khi được Dominique đề nghị hỗ trợ bà chuyển dịch thơ Hoàng Cầm từ Việt sang Pháp, để từ ý tưởng hiển hiện thành hình ảnh. Thoạt tiên tôi vấp phải rào cản ngôn ngữ, ngữ vựng và ngữ pháp cá biệt trong thơ Hoàng Cầm, hoặc do bởi xuất xứ địa phương, hoặc do bởi hàm hồ lịch sử mà từ ngữ trở thành những biến số hoặc ẩn số. Tôi phải cầu viện đến những bằng hữu thân quen được biết là cùng quê với tác giả hoặc có điều kiện để nắm bắt được ý nghĩa của các từ trong thơ. Thế rồi, rào cản cần vượt qua để có thể đi vào cõi thơ không phải là ngữ vựng hay ngữ pháp. Một cái gì đó không hiện thực, nhưng rất cụ thể, một hình ảnh, một ấn tượng mong manh, thấp thoáng, nhưng cố định. Mỗi từ ngữ là một cá thể trong thiên nhiên và xã hội, mà ngữ pháp của nhiều loại hình ngôn ngữ phân phối vị trí của chúng theo quan hệ chức năng được quy ước bằng các dấu hiệu và những biến đổi hình thái tùy theo ý tưởng cần được diễn đạt. Tiếng Pháp là một trong những loại hình đó. Mối quan hệ chức năng này không có quy ước cố định trong tiếng Việt. Từ này đứng cạnh từ khác, như những cá thể trong thiên nhiên không biến đổi hình thái theo chức năng quan hệ. Trong chuỗi từ ngữ Pháp nếu xóa đi những dấu hiệu quan hệ chức năng và những biến đổi hình thái cần thiết, từ đó không xuất hiện một thế giới nào của tạo vật, của con người, hay của cây cỏ, sỏi đá. Những từ ngữ Việt đứng cạnh nhau như những viên sỏi vô tri, tuy vậy, từ đó xuất hiện một hay nhiều thế giới, từ siêu hình đến hiện thực.

Váy Ngân hà loang mặt Tiểu hùng tinh

La jupe de la Voie lactée miroite
Dans l’espace de la Petite Ourse

(Em cứ về bên ấy/ Retourne là-bas)

Ngân và hà như hai viên sỏi cạnh nhau không có dấu hiệu quy ước nào để xác định quan hệ chức năng, nhưng cả hai bấy giờ lẫn vào nhau thành một cá thể duy nhất và tuyệt đối. Ba ấn tượng tiểu – hùng – tinh cũng vậy. Váy và Ngân hà cũng là hai cá thể mà trong thế giới của con người chúng cách nhau quá xa, tính thể và chức năng của chúng trong thiên nhiên và xã hội loài người cũng khác nhau quá xa, nhưng khi sát cạnh nhau cũng không cần dấu hiệu nào để quy ước mối quan hệ chúng lại lẫn vào nhau thành một cá thể. Rồi những cá thể này, sát cạnh như những viên sỏi vô tri dồn lại thành một đống hay sắp thành một hàng. Một thế giới đặc thù xuất hiện, trong một thoáng nào đó. Thế giới ấy hiện thực hay hư ảo, mang đầy hoài niệm hay ước mơ, thế giới ấy là gì?

Váy Ngân hà loang mặt Tiểu hùng tinh

Nghẽn hương mùa mắt ướt òa xanh

La jupe de la Voie lactée miroite
Dans l’espace de la Petite Ourse

Et ses yeux sont mouillés de larmes vertes
Recouvant l’exil de deux vies

(Em cứ về bên ấy/ Retourne là-bas)

Mặc dù không dấu chỉ quan hệ, người đọc tự do nối kết tùy theo ấn tượng được ghi khắc bởi tâm tư của mình cho mỗi từ ngữ mà một hay nhiều thế giới khác nhau có thể xuất hiện, trong đồng cảm hay dị biệt với tác giả của bài thơ, tuy vậy, khi xóa đi những ấn tượng cá biệt có thể có, chỉ còn là màu sắc và đường nét, vốn là những vật thể cá biệt trong thiên nhiên, của tạo vật, bấy giờ tính biểu đạt của ngôn ngữ biến mất. Thế giới ấy vẫn hiện thực ở đó, trong ngôn ngữ và cả trong môi trường sống thường nhật, những thoáng chốc chìm vào sự im lặng của thế giới vô ngôn. Cái gì đọng lại trong thế giới vô ngôn ấy trở thành vĩnh cửu.

Xuân đã qua. Em cứ về bên ấy
Váy Ngân hà loáng mặt Tiểu hùng tinh
Ở bên này sao Ngưu đứng vậy
Nghẽn hương mùa mắt ướt òa xanh

Le printemps est passé. Retournes!
La jupe de la Voie lactée miroite
Dans l’espace de la Petite Ourse
De ce côté, l’étoile du Berger attend
Le parfum n’exhale plus
Et ses yeux sont mouillés de larmes vertes
Recouvant l’exil de deux vies

(Em cứ về bên ấy/ Retourne là-bas)

Ngôn ngữ xuất hiện theo âm thanh và ý tưởng, xuất hiện rồi biến mất trong từng khoảnh khắc, nhưng chìm sâu vào trong tính thể của ngôn ngữ, tính thể ấy vốn tịch mặc vô ngôn, và thế giới xuất hiện từ đó hiển nhiên vĩnh cửu. Khi vẽ lên trang giấy, chúng là những vệt màu, hoặc đen hoặc trắng, hoặc  màu sẫm, hay tím bầm. Làm sao họa sỹ lại có thể chuyển đổi âm thanh thành màu sắc và hình ảnh? Làm sao ghi được những ý tưởng về tình yêu và hoài niệm chia ly, bằng những vệt màu hiện thực nhưng cũng siêu thực?

… Em cứ về bên ấy,
… Retourne là-bas.

Về đâu, trong đời sống hay cõi chết? Trong tuổi thanh xuân đã mất? Hoặc quá khứ mất hút, hoặc hiện tại bồng bềnh, hoặc tương lai hư ảo. Có thể chăng, tuổi thanh xuân ấy được ghi bằng những vết sẹo trên thân thể trơ trụi khi tước bỏ mọi quan hệ nhân sinh thường nhật? Trong tảng màu như quảng trăng mờ ảo, mà cũng như dòng nước trôi xuôi hay dòng thác đổ ào, chen lẫn giữa những khối màu vàng sẫm gây ấn tượng của da thịt tím bầm bởi tuổi xanh đày đọa, vắt ngang chiếc lá lan như lưỡi dao bén cắt sâu vào da thịt đang tuổi dậy thì, đang chớm tình yêu rình rập, kín đáo e thẹn, và cũng quyến rũ như hồ tinh:

Ai rình Em
Ai ngó Em
Chợt rùng mình như đêm trần trụi
Em đưa ai vào gai ân tình?

Qui t’épie, ma bienaimée
Qui te regarde
Nue dans la nuit soudain tu te cramponnes frémissante
Qui pousses-tu dans les épines de l’amour?

(Tắm đêm/ Bain de nuit)

Thơ thành họa; thơ đọc bằng ngôn ngữ không lời, họa được nhìn bằng sắc hình không ảnh tượng, trong đó ai nhìn ra khổ lụy nhân sinh, và một tình yêu nhức nhối?

Em gánh gạo về dinh phú hộ
Nứt vai thành sẹo lá lan đao
Em chở nứa sang bờ duyên phận
Tay đóng bè chân xuôi thác ghềnh
Tuổi đã rách vá gì cho kịp
Da mỡ đông tuốt sẹo ngang thân

Lourd est le riz que tu portes chez le riche
Sur ton épaule la cicatrice tranche comme une feuille d’orchidée
Tu emportes des bambous sur l’autre rive de ta destinée
De tes mains tu en fais un radeau, tes pieds suivent les flots
L’âge t’a marquée, comment te réparer?
Tout entier ton corps est balafré

(Tắm đêm minh họa 3/ Bain de nuit)

Vi thể tính của ngôn ngữ ở đây, và cảm tính của thơ trong đó, trong thơ Hoàng Cầm, mỗi từ đều đã bị lột trần như một vật thể, sỏi đá vô tri, đứng cạnh nhau như những con người đứng bên nhau.

Đồng chiều
Cuống rạ

(Lá Diêu Bông)

Trong một không gian trơ trọi và thời gian đang tàn lụi. Dấu hiệu gì để nối liền ảnh tượng “cánh đồng” và “nắng chiều”, và “cuống rạ”? Tiếng Pháp cần những dấu nối, bằng các từ à, de, pour, par, và cũng cần đến sự hiện diện của một con người ở đó cùng với động thái của nó nữa:

Au crépuscule tu flânais
Entre les pailes de riz.

(Lá Diêu Bông)

Điều này khiến cho người dịch nhiều khi bối rối, làm sao để có thể chuyển dịch ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, với những cách điệu khác nhau, mà thế giới nguyên sơ không biến dạng, thế giới xuất hiện chính trong tính thể tồn tại của nó, một l’être au-monde trong một l’être-ouverture, Sein trong Da-sein, nói theo cách điệu của Heidegger bằng tiếng Pháp, hay một svabhava trong tiếng Sanskrit?

Kết cấu ngôn ngữ ấy không cá biệt nơi thơ Hoàng Cầm, mặc dù hiếm thấy ở nơi nhiều thi sỹ khác; nhưng tính thể cũng là biểu hiện sử tính của một dân tộc. Dân tộc ấy, với những đứa con của nó, trong từng thời đại, trong chuỗi dài năm tháng đấu tranh để sinh tồn, bất chợt cảm thấy ta như cuống rạ cánh đồng chiều, bị ném ra đó và bị bỏ quên trong nỗi cô đơn bất tận. Chính ông, nhà thơ của chúng ta ở đây, đuổi theo một thực tại không hề tồn tại nhưng hiện thực trong tầm tay bởi sự thách thức của tình yêu.

Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng

Grande soeur, tu m’as dit
Celui qui trouvera la feuille de Diêu bông
Je le prendrai pour epoux.

(Lá Diêu Bông)

Tình yêu hiện thực chạy dọc theo thời gian để ghi dấu những mất mát, tình yêu, ngây thơ và cũng khờ dại, vẫn không mờ nhạt bởi bóng thời gian:

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vu gọi
Diêu bông hời!…
ới Diêu bông!…

Dès lors
Je tenais la  feuille
Allant au bout du monde
Dans les sifflement du vent de la campange
Hurlant
Hélas Dieu bong
Hélas Dieu bong

(Lá Diêu Bông)

Người đọc bấy giờ nhắm mắt lại, để cho thế giới ấy tan biến đi theo những đuổi bắt nhọc nhằn, bởi tình yêu khờ dại mà chung thủy, tan biến đi cánh đồng chiều, cuống rạ, mùa thu, mùa đông, và cả chiếc lá Diêu bông tưởng tượng; nghĩa là mối quan hệ của chúng để đan dệt thành một thế giới bị xóa bỏ, bằng cách xóa đi những mối quan hệ chức năng giữa các từ trong thơ, để cho các từ vén màn các ảnh tượng mà lằn ranh phân cách giữa chúng mờ nhạt; chỉ là ấn tượng từ những tảng màu: màu xanh lá cỏ cho tình yêu ngây thơ, những ray rứt bởi hoài niệm với những vệt màu sẫm thấp thoáng.

Đọc thơ bằng màu sắc, ghi ấn tượng màu sắc bằng biểu hiện của ngôn ngữ. Ngôn ngữ, và những cách biểu hiện và tồn tại thay đổi, nhưng thế giới trong thể tính của nó vẫn nguyên sơ. Điều gì đang xảy ra ở đây, và những bài thơ Hoàng Cầm ở đây? Có rất nhiều điều được nói, chất liệu để nói có thể nghe và có thể nhận bởi nhiều người, thế nhưng trong tận cùng của những điều được nói là một thế giới im lặng. Nó rộn ràng như khi ta đuổi bắt ảo ảnh, lại chứa đầy hoài niệm về những điều không hề xảy ra.

Thơ không chỉ gợi cho ta ước mơ để tồn tại, mà gây cho ta hoài niệm về sự mất mát không thể đền bù của những cái không bao giờ hiện hữu. Hoàng Cầm, làm thơ từ một thế hệ trước. Tôi đọc thơ Hoàng Cầm, trong một thế hệ sau: Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi.

Những bức họa mà Dominique gợi hứng từ thơ Hoàng Cầm, theo cách nói phổ thông, gọi là những minh họa, nhưng tôi muốn gọi chúng là những ấn tượng. Tình yêu, hoài niệm, ước mơ, ảo ảnh, sự chết, cùng với những thứ khổ lụy nhân sinh; những ý tưởng thoạt đến, thoạt đi, đọng lại trong những từ, những chữ, những dòng thơ. Từ những ý tưởng ấy, làm sao chợt xuất hiện trong viễn tượng của thị giác, và rồi trong đó mọi động thái, trạng thái, mọi hình thái sai biệt bị xóa mất biên giới hữu hình, để dàn trải thành những tảng màu; hoặc xanh, hoặc nâu sẫm, hoặc vàng vọt, ấn tượng đọng lại từ những ý tưởng ấy, mờ ảo đến độ như vô hình, mà cũng rất thực như từng giọt nắng chiều đang đọng lại trong lòng tay.

Họa sỹ đã bằng trực giác mỹ cảm vượt qua rào cản ngôn ngữ, để thay vì nghe bằng đôi tai, ở đây bằng thị giác của tâm thức mà nhìn vào âm thanh ngữ điệu của thơ. Họa sỹ đồng cảm với thi sĩ đi trong thế giới chìm sâu trong tâm tư; thế thì, người đọc đồng cảm như thế nào với họa sỹ?

Tuệ Sỹ
Bài giới thiệu (song ngữ Việt-Pháp) trong Tuyển tập Hoàng Cầm – Tình Khúc, dịch Pháp & biểu cảm minh họa bởi họa sỹ Dominique De Miscault; trình bày và dàn dựng tại Pháp, bởi Jean Barilla. Hương Tích ấn hành tháng 4/2015.
Nguồn: Tuệ Sỹ. Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tập III. NXB Phương Đông, tháng 7/2015, tr. 118-129.

một số tác phẩm

của Hoà thượng Tuệ Sỹ

xem tiếp đề mục: