Tuệ Sỹ

Tuệ Sỹ: Người tòng quyền

Đỗ Thái Nhiên

Mãi tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ: Khoảng trung tuần tháng 6 năm 1979, trong khu C1 trại giam Phan Đăng Lưu, công an đã di chuyển tôi từ phòng IV qua phòng I. Theo phản ứng tự nhiên của một người tù, vừa bước chân vào phòng I/C1, tôi đảo mắt nhìn quanh mong tìm thấy một người tù có thể tin cậy được. Chỉ vài phút sau đó, tôi bị “bắt mắt” bởi một thanh niên trạc 40, dáng gầy, cao trung bình, đặc biệt đôi mắt của anh ta rất sáng, rất nhân từ, nhưng vô cùng cương nghị. Trong đôi mắt ấy, nhiều khi người ta tìm thấy một tin yêu tha thiết, nhưng cũng chính trong đôi mắt ấy nhiều khi người ta lại bắt gặp một dửng dưng trước mọi gian nguy của đời sống. Người tù có đôi mắt vừa nóng bỏng vừa lạnh lùng một cách kỳ lạ này chính là anh Tuệ Sỹ.

– Đúng như mong ước của tôi, tôi được Tuệ Sỹ đối xử như một người bạn thân. Tuệ Sỹ và tôi bằng tuổi nhau. Tuy vậy, Tuệ Sỹ có diện mạo trẻ hơn tôi rất nhiều nhờ mắt sáng, da mịn, hàm râu Ăng lê. (mỗi ba tháng công an cho tù mượn đao cạo râu một lần). Mặc dầu bằng tuổi nhau và Tuệ Sỹ trông trẻ hơn, tôi vẫn thường xuyên có cảm tưởng Tuệ Sỹ là bậc đàn anh của tôi. Phong cách ở tù của Tuệ Sỹ đã gây cho tôi có cảm tưởng này. Bạn tù cùng phòng không bao giờ thấy một thoáng xao động trên gương mặt của Tuệ Sỹ vào những ngày công an cho tù ăn cầm hơi để gây áp lực lấy khẩu cung. Bạn tù cùng phòng không bao giờ nghe Tuệ Sỹ ca tụng Phật giáo theo kiểu tôn giáo độc tôn mặc dầu rất nhiều khi Tuệ Sỹ giảng giải cho bạn tù nghe một cách rất uyên bác triết học Phật giáo. Bạn tù cùng phòng không bao giờ chứng kiến Tuệ Sỹ đã dính líu vào bất kỳ một vụ xích mích nào giữa tù với tù. Giả sử bạn là tín đồ quá khích của một tôn giáo nào đó, khi tiếp xúc với Tuệ Sỹ, bạn sẽ ngạc nhiên vì không tìm ra một mảy may ngăn cách nào về mặt tín ngưỡng giữa Tuệ Sỹ và bạn. Tuệ Sỹ sẽ làm cho bạn nhận biết thật rõ tính chất đồng điệu nổi bật nhất giữa bạn và Tuệ Sỹ, đó là lòng yêu nước thiết tha.

Sống cùng phòng với nhau gần một năm, sau đó Tuệ Sỹ và tôi phải chia tay để mỗi người lại tiếp tục nổi trôi theo “dòng tù.”

Giữa năm 1983, tình cờ tôi gặp lại Tuệ Sỹ trên đường Trương Minh Giảng quận Ba Sài gòn. Tuệ Sỹ ân cần thăm hỏi tôi, đồng thời nhắc nhở tôi phải làm một cái gì đó trước cảnh lầm than của Việt Nam. Về phần mình, Tuệ Sỹ cho biết Phật giáo Việt Nam gắn chặt với những thăng trầm của dòng sống dân tộc từ trong quá khứ xa xăm của lịch sử, Phật giáo và Dân tộc thân thiết như bóng với hình. Vì vậy Tuệ Sỹ không thể do khiếp sợ cảnh tù ngục mà không dám tiếp tục băn khoăn về tương lai dân tộc. Kinh nghiệm ở tù cho tôi biết hầu hết thất bại của những tổ chức chống cộng tại nội địa tại Việt Nam đều bắt nguồn từ tình trạng hiểu biết về tình báo quá yếu kém. Tôi nói cho Tuệ Sỹ nghe kinh nghiệm vừa kể của tôi, Tuệ Sỹ nheo mắt nhìn tôi cười. Đó là lần sau cùng tôi gặp Tuệ Sỹ, Tháng 4 năm 1984 tôi nghe tin Tuệ Sỹ bị bắt lần thứ hai.

Ngày 12 tháng 10 năm 1988. Tin ghi nhận Tuệ Sỹ đã bị cộng sản kết án tử hình đã làm cho tôi vô cùng xúc động, mặc dầu tôi không ngạc nhiên, lòng yêu nước tha thiết và tính tự trọng cao độ của người đại-trí-thức trong Tuệ Sỹ khi va chạm với tập đoàn độc tài và ngu dốt kiểu cộng sản thì án tử hình chỉ là một hệ quả tất nhiên.

Dưới chế độ cộng sản, rất nhiều người chống cộng đã bị kết án tử hình. Nhưng với tôi, trường hợp Tuệ Sỹ là trường hợp làm tôi xúc động nhất.

Xúc động rằng: Trong thực tiễn đời sống cũng như trong lý luận xây dựng xã hội, quyền lợi dân tộc và quyền lợi của đảng cộng sản là hai thực thể biệt lập và đối lập.

Cộng sản Việt Nam từ rất lâu vận dụng toàn bộ guồng máy thông tin tuyên truyền của họ trong nỗ lực đồng hoá quyền lợi của cộng sản với quyền lợi của dân tộc là một. Án tử hình dành cho Tuệ Sỹ là một phản kháng bằng máu đối với nỗ lực đồng hoá vừa nói.

Xúc động rằng: Trường hợp của Tuệ Sỹ là một trường hợp tòng quyền can đảm và thảm sầu. Kinh là những nguyên tắc thuộc công bằng và lẽ phải có tính căn bản và bất biến. Nhân phẩm của một người được cân đo trên mức độ tôn trọng và bảo vệ kinh, gọi tắt là chấp kinh, của người này. Tuy nhiên giữa chốn thiên biến vạn hoá của sinh hoạt xã hội, hành vi chấp kinh càng ngày càng trở nên phức tạp. Trong rất nhiều hoàn cảnh chúng ta buộc phải tạm gác kinh này đề thực hiện kinh kia. Hành động như vừa kể có nghĩa là tòng quyền. Chúng ta tránh giết người có nghĩa là chúng ta chấp kinh, nhưng nếu chúng ta giết một người để cứu trăm người tức là chúng ta tòng quyềnKinh dạy chúng ta phải sống từ bi hỉ xả. Tuy nhiên đạo từ bi hỉ xả không thể phát triển giữa chiến trường đấu tranh giai cấp. Vì vậy muốn thực sự từ bi hỉ xả, người ta phải tìm cách giải tán đấu tranh giai cấp. Nói cách khác người ta phải tạm gác chấp kinh từ bi hỉ xả để tòng quyền giải tán đấu tranh giai cấp. Tuệ Sỹ, nhà đại trí thức Phật giáo đã nhận lãnh án tử hình trên con đường tòng quyền vừa kể. Vì vậy tôi gọi trường hợp tòng quyền của Tuệ Sỹ là trường hợp tòng quyền can đảm và thảm sầu.

Xúc động rằng: Từ rất lâu, nhất là sau 30.4.75 tại hải ngoại, người Việt Nam vẫn thường xuyên trong âm thầm và kiên nhẫn chờ đợi ở giới lãnh đạo Phật giáo một thái độ rõ rệt đối với cộng sản. Cuộc chờ đợi tưởng chừng phải kéo dài bất tận đã được đáp lại bằng án tử hình đối với Tuệ Sỹ, đáp lại bằng chính máu xương của một bậc chân tu, một nhà trí thức cao cấp, một thanh niên được xem như yếu tố trọng yếu tạo thành linh hồn của Phật giáo Việt Nam tại quốc nội cũng như quốc ngoại. Kết án tử hình Tuệ Sỹ, cộng sản Việt Nam đã tạo điều kiện để người chí sĩ trẻ tuổi này xác quyết một cách ân cần và cảm động rằng: Phật giáo và Dân tộc như hình với bóng.

Vào lúc Dân tộc lâm nguy, Phật giáo không thể không chia sẻ sinh lực với Dân tộc. Đó là ý nghĩa của Chính Trực.

Do tâm lý hẹp hòi người ta thường dễ dàng khi chỉ trích và lưỡng lự khi ca tụng người khác. Riêng đối với Tuệ Sỹ tôi chỉ ngại không đủ ngôn từ hoặc thiếu bút pháp vững vàng trong việc tôn vinh Tuệ Sỹ. Tôn vinh Tuệ Sỹ không vì những tình cảm riêng tư giữa Tuệ Sỹ và tôi. Tôn vinh Tuệ Sỹ chính vì Tuệ Sỹ đã dùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, trí thức của bậc học giả, uy tín của bậc chân tu để diễn đạt liên hệ mật thiết giữa Dân tộc và Phật giáo. Lịch sử đân tộc trôi vào vùng đen tối, Phật giáo chấp nhận lao mình vào cõi đen tối đó bằng trọn vẹn ân tình, trọn vẹn tim óc và máu xương.

Chính giữa bức tranh kết hợp bởi những nét trọn vẹn vừa kể người ta thấy hiện ra thật sáng ngời: đôi mắt của Tuệ Sỹ, đôi mắt tưởng chừng như nóng bỏng, tưởng chừng như lạnh lùng…

Đỗ Thái Nhiên
Nguồn: Hoa Sen, số 5. 1/11/1988.

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
xem tiếp đề mục: