Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về
(Tuệ Sỹ)
1
Lô sơn1Lô sơn, tên ngọn núi ở huyện Chư thành, tỉnh Sơn đông. là một danh thắng kỳ tuyệt. Núi non hùng vĩ, cảnh trí u trầm, mây trắng và sương mù quanh năm bao phủ, từ bao nhiêu đời, nơi đó ẩn tích những cao nhân đắc đạo. Tìm đến đó, để nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn, là đã quyết tâm đoạn tuyệt với những vương vấn, buông lơi và thắt chặt, từ mấy vạn đời trước. Thấy chỗ đó, là thấy Tâm Thiền. Nhưng Tâm Thiền thì tịch mặc không nói. Một khi đưa lưỡi dao lên cắt đứt mái tóc, đoạn tuyệt hồng trần, thì cõi thơ sẽ mất một ngọn sao trời rọi sáng, cho khách tục tử đang còn cặm cụi làm thơ. Nhà thơ phát tâm đại nguyện thượng thừa, vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường. Đại nguyện đó sẽ làm sáng lên cái chân lý Dị và Đồng. Dị biệt và Đồng nhất là những con đường chia rẽ phân đôi; nhưng đạt tới công án hiểm hóc của sinh tử, thì đã xóa tan chân lý Dị Đồng. Đó là chỗ ta và người, tình và cảnh, đều trở thành tịch mặc Không Không. Từ đó nhà Thơ hẹn với nhà Thiền, mở ra cánh cửa bắc, cất đầu nhìn lên 36 ngọn núi xanh kia.
Những lời dài dòng lôi thôi trên đây quảng diễn từ những câu thơ này của ông:
為聞盧嶽多真隱
故就高人斷宿攀
已喜禪心無別語
尚嫌沏髮有詩班
異同莫問疑三語
物我終當赴八還
到後與君開北戶
櫸頭三十六青山
Vị văn lô nhạc đa chân ẩn
Cố tựu cao nhân đoạn túc phan
Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ
Thượng hiềm thế phát hữu thi ban
Dị đồng mạc vấn nghi Tam ngữ
Vật ngã chung đương phó Bát hoàn
Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ
Cử đầu tam thập lục thanh sơn
(Nghe nói trên Lô sơn có nhiều bậc chân ẩn. Vì vậy, tôi tìm đến cao nhân để xin cắt đứt những vương vấn nhiều đời nhiều kiếp. Tôi đã vui với cái lẽ rằng Tâm Thiền thì không có ngôn ngữ gì khác biệt với ngôn ngữ thường tình. Nhưng còn ngại rằng khi đã cạo tóc mà tình thơ vẫn còn. Thôi thì, thiền đạo và thi ca là đồng hay là khác, cũng chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi. Hãy quên đi những sự phân biệt Ta và Người. Cuối cùng, tôi với anh mở cánh cửa bắc, ngẩng đầu nhìn lên ba mươi sáu ngọn núi xanh).
Nói như vậy, bằng lời lẽ như vậy; người ta gọi là bộc bạch, là thổ lộ tâm tình. Ở đây cứ tạm nói chắc là tình thơ và tình đạo, một cuộc giao tình để xẻ chiếc chiếu làm hai. Còn ẩn tình nào sau đó, nó đã ẩn thì vĩnh viễn là nó ẩn, không thể cưỡng bức để kéo nó ra.
Chỉ thẳng không quanh co, gãy gọn và khúc chiết, bài thơ có chương pháp như một bản tường trình. Những người đang ruổi ngựa chạy như bay, đang đi giữa phố chợ ồn ào, vừa nghe một lần là hiểu; và có thể diễn lại tràng giang đại hải, như một bài thuyết trình của một nhà thạc học đúc kết mười năm trời nghiên cứu sách vở. Nhà thơ bất chợt đến nghe, ôm bụng cười. Ông sẽ về Hàn lâm viện thảo chiếu và đề nghị và quyết định bổ nhiệm, rồi sau đó, trở lại Lô sơn, đẩy cánh cửa bắc, nhìn ra 36 ngọn thanh sơn. Nhưng khi trở lại Hàn lâm viện ông sẽ chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: tên người bổ nhiệm là Ông. Thì người bộc bạch là nhà thơ, người đi quảng diễn là nhà thơ; nhà thơ và nhà thơ, bóng dáng nhà thơ trùng trùng điệp điệp, ẩn hiện giữa mây trắng và sương mù như đỉnh núi Lô sơn. Vậy, đâu là chân diện mục của Lô sơn?
Cái đó có thể là đề tài cho Trang Tử và Huệ Thi bàn cãi về Đồng và Dị: “anh và con cá lội dưới ao là Đồng hay Dị?” Họ bàn cãi nhau, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ông lại đứng ra làm trọng tài; làm một đại quan của triều đình chứ không là một nhà thơ, vì lời lẽ khúc chiết:
Mạc tương đồng dị giảo tri thù
…
Nhược tin vạn thù qui nhất bản
Ngã kim tri nhữ nhữ tri ngư
Ông bảo họ đừng cãi nhau, chớ so đo về lẽ Dị Đồng nữa. Vạn thù qui nhất bản, muôn vàn sai biệt cùng quy về một gốc, cho nên, ông này biết ông kia, ông kia biết cả. Nếu Huệ Thi mà có thể hiểu được Trang Tử, thì Trang Tử cũng có thể hiểu được rằng đàn cá đang lội nhởn nhơ kia là đang vui đấy.
Nhưng kỳ cùng, ai dám bảo đó không là thơ? Đó cũng là một công án hiểm hóc (của thiền sư Vô Trước trên Ngũ đài sơn): Tiền tam tam hậu diệc tam tam, trước ba ba, sau cũng ba ba, là gì?
Nói trắng ra, người ta muốn hỏi, chỗ sơn cùng lộ tuyệt nơi thơ của ông là gì? Hay nói gọn lại, thơ Đông Pha nói gì trong đó? Ông nói những tình cố quận, sầu tha hương, những mùa thu tóc trắng, những thanh xuân và mộng tưởng; ông nói những vân vân đó ư? Thì quả nhiên, thơ ông chỉ nói vân vân như vậy, nhưng khi nghe ra những khổ lụy kỳ cùng trong đó, người ta tự hỏi, đồng vọng của một phương trời đọa đày viễn mộng nào đây? Đọa đày tức viễn mộng, viễn mộng tức đọa đày. Cái đó nó phơi trần lộ liễu, nên một người thô lổ vội vàng cũng có thể nhận ra. Sau lớp mây trắng và sương mù, là Lô sơn, ai lại không biết. Đã biết là như vậy; còn chân diện mục của Lô sơn thì sao?
2
Trong những ngày tháng bị đày ải ở Hoàng châu; ngày thiếu cơm, chiều thiếu gạo; (ông làm ruộng), trời nắng ruộng khô, lúa mọc không nổi (ông kêu trời), trời mưa thì xối xả, nhà dột như mảng bè trôi. Ông làm một bài thơ dài gởi cho bạn. Mấy câu đầu như sau:
東坡先生無一錢
十年家火燒凡緣
黃金可成河可塞
龍丘居士亦可憐
談空說有夜不眠
忽聞獅子河東吼
拄杖落手心忙然
Đông Pha tiên sinh vô nhất tiền
Thập niên đăng hỏa thiêu phàm duyên
Hoàng kim khả thành hà khả tắc
Chỉ hữu sương binh vô do huyền
Long Khâu cư sĩ diệc khả liên
Đàm Không thuyết Hữu dạ bất miên
Hốt văn sư tử Hà đông hống
Trụ tượng lạc thủ tâm mang nhiên
Tiên sinh Đông Pha không một tiền
Mười năm đèn lửa xin hai bên.
Hoàng kim làm được, sông lấp được;
Chỉ có tóc sương không chịu đen.
Long Khâu cư sĩ cũng vô duyên.
Bàn Không bàn Hữu thức suốt đêm.
Bỗng nghe sư tử Hà đông rống;
Hốt hoảng tâm thần rơi gậy thiền.
Bài thơ làm gởi tặng Trần Quí Thường. Có lẽ trong số những người bạn, Thường là người được ông mến chuộng và kính phục nhất, về cốt cách cũng như về đời sống.
Trần Thảo tự Quí Thường, hiệu Long Khâu cư sĩ, cũng được gọi là Phương Sơn Tử. Đọc bản tiểu sử của Quí Thường do ông viết cũng có thể thấy sự mến phục của ông như thế nào. Bản tiểu sử được viết:
Phương Sơn Tử, người ẩn cư trong khoảng Quang, Hoàng.2Quang, Hoàng: Quang châu, nay là huyện Hoàng xuyên, tỉnh Hà bắc. Hoàng tức là Hoàng châu. Thiếu thời hâm mộ Chu Gia3Chu Giai: người nước Lỗ, sống cuối Tần đầu Hán; ưa kết giao các tay hảo hớn, chứa chấp những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Sau khi Hạng Vũ tự sát, bộ tướng của Hạng Vũ là Quý Bố chạy trốn, đươc Chu Gia che dấu. Sau Bố được vinh hiển, Chu Gia từ đó không chịu gặp Bố. Về sau, tên Chu Gia dùng chỉ các tay hiệp khách. và Quách Giải.4Quách Giải: người đời Hán Thuở nhỏ, vì chuyện nhỏ mà giết người, rồi làm đủ chuyện tệ nạn: giết mướn, đúc tiền giả, đào mồ người. Về già, trở thành người nghĩa khí, lấy đức mà trả oán, nên mọi người xua theo, thành đồ đảng rất đông. Có kẻ nói xấu Giải, bị khách của Giải giết. Nhưng Quách Giải không biết chuyện đó. Dù vậy, vẫn bị quan khép vào tội đại nghịch vô đạo, nên cả dòng họ bị chém. Bọn hào hiệp trong làng xóm đều qui phụ theo. Hơi lớn, biết chiều lụy người, và đọc sách; muốn lấy việc đó mà chen chân với đời. Nhưng rồi không gặp thời. Đến tuổi xế, về ẩn lánh trong khoảng Quang, Hoàng, nơi chỗ gọi là Kỳ đình. Ở nhà tranh, ăn rau trái, không giao thiệp với người đời. Bỏ xe ngựa, vứt áo mão, đi bộ (…)
Tôi bị biếm trích ở Hoàng châu, qua Kỳ đình, thì thấy. Mới kêu: “Hỡi ôi! Đa số là cố nhân của tôi, Trần Thảo Quí Thường đó. Sao lại ở đây?” Phương Sơn Tử cũng kinh ngạc, hỏi tôi tại sao đến đây. Tôi nói duyên cớ. Ông cúi đầu không đáp; rồi ngửa lên trời mà cười. Gọi tôi ngủ lại nhà. Tường vách xơ xác, nhưng vợ con trông chừng có vẻ thỏa ý. Tôi giật mình lấy làm kinh ngạc.
Tự nghĩ, Phương Sơn Tử khi thiếu thời, ưa rượu và thích kiếm, xài tiền như đất cát (…)
Tôi nghe nói trong khoảng Quang Hoàng có nhiều dị nhân, thường thường giả bộ ngây dại, dơ bẩn, khó gặp được. Phương Sơn Tử cũng trong hạng đó ư?
Trong cái được mến phục đã ẩn hiện một phần cốt cách và cuộc đời của mình. Phần đó nằm ngoài ven trời viễn mộng.
Đông Pha tiên sinh và Long Khâu cư sĩ, mỗi người ở mỗi ven trời, cùng nhìn nhau qua một cõi mộng, và cũng mang những khổ lụy hình hài như nhau. Khổ lụy của hình hài, mà lại khôi hài. Đông Pha tiên sinh có tài làm ra vàng, có thể lấp được sông, nhưng không thể làm cho tóc của mình đừng bạc trắng. Long Khâu cư sĩ say sưa đạo lý thượng thừa nhưng không giữ nổi cây gậy của đạo đó trong tay, khi nghe tiếng sư tử Hà đông rống:
Hốt văn sư tử Hà đông hống
Trụ tượng lạc thủ tâm mang nhiên
Tâm mang nhiên, tâm sững sờ ngơ ngác, là lúc sắp tỏ ngộ, sắp hoát nhiên đại ngộ. Thế thì, là chuyện đùa hay chuyện thật, mà chân tướng của nó, của cõi mộng đó, ra sao? Chân diện mục của Lô sơn không dễ gì khám phá.
Bất thức Lô sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung
Không biết được chân diện mục của Lô sơn, tại vì mình đang ở trong đó, hay tại vì mình không ở trong đó?
3
Từ thượng cổ, Lô sơn đã quyến rũ những người tiêu dao thế ngoại. Tương truyền, trong buổi giao thời giữa nhà Thương và nhà Chu, trên một nghìn năm trước Tây lịch, có người tên Khuông Tục, trốn đời, hay lánh đời, đến ẩn dưới núi, lập nhà tranh (lô) ở đó, và sau đắc đạo tiên. Vì vậy, mới được gọi là Lô sơn, hoặc Khuông sơn.
Đời Tam quốc, có đạo gia Đồng Phụng chân nhân đến tu tiên và luyện đan tại đây. Bấy giờ Thái thú Giao chỉ là Sĩ Nhiếp mất đã ba ngày; tiên ông cho một hoàn thuốc, cạy răng đổ vào miệng, đổ nước vào, rồi nâng đầu lên cho nước xuống cổ. Trong khoảng bữa cơm, nhan sắc tươi lại như thường. Một nửa ngày, đứng dậy, đi lại được. Bốn ngày sau, nói năng như bình thường. Đến đời Đường, có Từ Tri Chương làm bài ký cho miếu thờ của Chân nhân. Đến thời Đông Pha, người ta vẫn đọc được bài ký đó.
Thời Đông Tấn, tăng Tuệ Viễn cất am tu ở đó, nơi sườn núi bắc; phía dưới có khe Hổ khê, nơi Tuệ Viễn dừng chân mỗi khi tiễn khách; và trọn đời thề không bước qua khe đó. Sư cùng mười tám người bạn cùng đến ẩn cư tại chùa Đông lâm, đời sau kính trọng, gọi họ là “Đằng lâm thập bát hiền”.
Trải qua nhiều đời, Lô sơn càng quyến rũ, từ đạo gia, tăng lữ, công khanh, văn sĩ, thi sĩ, vân vân. Từ Tấn cho đến Đường, Tống, đã có rất nhiều bài thơ lưu đề rất nổi tiếng, từ Tạ Linh Vận, Bảo Chiêu cho đến Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, v.v…
Ở đây, xin trích một ít bài để thưởng thức cảnh trí Lô sơn.
Thơ của Mạnh Hạo Nhiên, buổi chiều thuyền đổ bến Tầm dương, vọng về Lô sơn:
挂席幾千里
名山都未逢
泊舟尋暘郭
始見香盧夆
嘗讀遠公傳
永懷塵外蹤
東林精舍近
日暮但聞鐘
Quải tịch kỷ thiên lý
Danh sơn đô vị phùng
Bạc châu Tầm dương quách
Thủy kiến Hương lô phong
Thường độc Viễn Công truyện
Vĩnh hoài trần ngoại tung
Đông lâm tinh xá cận
Nhật mộ đản văn chung
Lang thang mấy vạn dặm;
Lô sơn vẫn tít mù.
Bến Tầm dương thuyền đổ,
Chợt thấy đỉnh Hương lô
Từng đọc truyện Tuệ Viễn;5Tuệ Viễn (330-412), người đời Tấn, một trong những tư tưởng gia lớn của Phật giáo Trung hoa. Khoảng TL 381, đến Lô sơn, dựng chùa Đông lâm, ẩn tu suốt đời không xuống núi.
Hoài mộ gót phiêu du.
Chùa Đông lâm6Chùa Đông lâm, phía nam Lô sơn, do Tuệ Viễn dựng. Trước chùa có khe, gọi là Khe Cọp (Hổ khê). Thi nhân Đào Uyên Minh, đạo sỹ Lục Tu Tĩnh thường đến đây đàm đạo với Tuệ Viễn. Sư có lời nguyện là không bao giờ bước qua khe Khê để xuống núi. Nhưng một hôm, ba người luận đạo đang cơn hứng; cho nên khi tiễn chân khách về, khách và chủ vẫn mải miết luận đạo, khiến Tuệ Viễn quên mình đã bước qua khỏi khe. Chợt nghe tiếng cọp gầm, họ mới nhận thấy mình đang ở đâu. Cả ba cùng cười lớn. Về sau, Lý Long Miên, họa sỹ đời Tống, vẽ tranh theo câu chuyện này, gọi là “Hổ khê tam tiếu” hàm ngữ tính cách hòa hiệp của Tam giáo. gần đó;
Sớm tối nghe chuông đưa.
Từ bến Tầm dương, nhìn lên thấy một ngọn trong dãy Lô sơn, mây vần vũ như khói bốc từ lò hương, ngọn núi đó gọi là Hương lô phong.
Lý Bạch có đến sáu bài thơ về Lô sơn. Bài được truyền tụng rất nhiều là “Lô sơn dao”, bài ca từ Lô sơn: “Ta vốn là người cuồng nước Sở, cuồng ca cười Khổng Khâu. Tay cầm gậy lục ngọc, sớm từ Hoàng hạc lâu… đi tìm khắp các núi non v.v…” Bài thơ đó dài quá không tiện trích ở đây.
Dãy Lô sơn núi non trùng trùng, mây bay điệp điệp. Sông hồ in bóng. Lô sơn như từng chấm nốt ruồi xanh trên mặt nước trong xanh kiều diễm. Những thác nước từ chóp đỉnh cao tuyệt mù đổ xuống, như giải Ngân hà treo chênh vênh bên cầu Tam thạch. Từ giã sư tăng chùa Đông lâm, Lý Bạch lưu lại bài thơ:
東林送客處
月出白猿啼
笑別盧山遠
何煩過虎溪
Đông lâm tống khách xứ
Nguyệt xuất bạch viên đề
Tống biệt Lô sơn viễn
Hà phiền quá Hổ khê
Đường Đông lâm tiễn khách
Vượn trắng gọi trăng ngàn
Chào Lô sơn ở lại
Khe cọp cách hồng trần
Lô sơn ba mặt là nước, một mặt đất liền. Trước mắt, phía nam, là sông Trường giang đổ vào khúc Cửu giang. Phía tây là bến Tầm dương, phía đông là bến Bành lãi. Núi có bảy ngọn lớn chập chùng, chân núi chiếm một khoảng rộng chừng năm trăm dặm. Cảnh trí hùng vĩ được ông ghi lại trong hai bài thơ, vịnh hai nơi: đình Thấu ngọc chùa Khai tiên và cầu Tam giáp chùa Thê hiền. Đại khái như sau:
Đình Thấu ngọc, nói theo nghĩa đen của nó là đình “đánh răng”. Thác nước từ đỉnh cao chót vót đổ xuống, mà Lý Bạch nói là trông giống như giải Ngân hà đổ xuống; thác đổ đến phía đông chùa Khai tiên, chảy thành dòng suối, hai bên đá nhấp nhô như những hàng răng ngọc, có lẽ vì thế mà gọi là Thấu ngọc đình:
高嵒下赤日
深谷來悲風
擘開青玉峽
飛出兩白龍
亂沫散如霜
餘流滑無聲
快瀉雙石洪
Cao nham hạ xích nhật
Thâm cốc lai bi phong
Phách khai thanh ngọc giáp
Phi xuất lưỡng bạch long
Loạn mạt tán như sương
Tuyết đàm dao thanh không
Dư lưu hoạt vô thanh
Khoái tả song thạch hồng
…
Sườn cao tuôn nắng đỏ
Hang sâu động gió rầu
Chẻ đôi mõm thanh ngọc
Hai rồng bạc đổ ào
Bọt nước bay sương trắng
Đầm tuyết rung trời cao
Dòng suối tuôn lặng lẽ
Chảy xiết qua hang sâu
…
Rồi đến cầu Tam giáp, phía đông chùa Thê hiền. Những tảng đá trải qua hàng vạn năm thi đua kêu gào với những dòng nước vỗ ầm như sấm sét. Cầu bắc ngang qua một khe nước sâu hun hút không thấy đáy. Sóng cuộn những con cá trôi nổi bập bềnh; tiếng sóng kinh hoàng cho đến vượn khỉ leo lên cây cũng rụng rời rơi xuống đất. Hơi lạnh thấm vào sương tủy của núi. Cỏ và cây cứng, và gầy. Giữa lớp mây mù kéo qua các hốc trống, khua lên những âm thanh như tiếng nhạc tấu lên từ những tiếng kim tiếng thạch. Chiếc cầu uốn cong treo lơ lửng trên suối như mảnh trăng vòng cung.
Núi non bên trong rầm rộ với những tiếng reo hò, gào thét của thác nước, của gió ào ạt và mây vần vũ. Nhưng ở ngoài xa, chỉ thấy chập chùng một dãy núi, ẩn hiện mơ hồ giữa đám mây trắng và sương mù. Thế thì, đâu là chân diện mục của Lô sơn?
4
Trong thời kỳ bị biếm trích ở Hoàng châu, ông mới có dịp lên dạo Lô sơn. Ông nói, khi mới đến Lô sơn, thấy cảnh núi non thanh kỳ tú lệ, quả là điều mơ ước được thấy từ trước. Tăng và tục trong núi thấy ông, ai cũng nói: “Tô Tử Chiêm đến rồi đó”.
Ông tự cho rằng mình có duyên rất đậm đà với Lô sơn. Trước ngày ông đến, ngài viện chủ Viên thông thiền viện đã được báo mộng; cho đến chiều hôm sau thì ông lên. Sư nói: “Hôm qua nằm mộng thấy bửu cái bay xuống, chỗ đó liền có lửa cháy sáng lên. Há không là điềm báo tốt đẹp cho ngày hôm nay sao?” Ông cảm động, làm tặng ngài viện chủ một bài thơ thất luật, có hai câu 5 và 6 như sau:
袖裡蓍寶由未出
夢中飛蓋已先傳
Tụ lý bửu thơ do vị xuất
Mộng trung phi cái dĩ tiên truyền
Bửu thơ trong tay áo chưa lôi ra, mà bửu cái từ trời đã bay xuống báo mộng trước.
Ông ghé lại đề thơ nơi sơn phòng của Lý Thường, tự Bạch thạch tăng xá. Lý Thường, tự Công Trạch, vốn là bạn của ông. Thường trước khi ra làm quan, đọc sách tại đây. Sách vở chất chứa hàng vạn quyển. Sau khi Thường ra làm quan, chỗ đó được dọn thành thư viện lấy tên là “Lý thị sơn phòng”. Ông có viết bài ký cho sơn phòng này. Ông lưu đề tại đây một bài thơ tứ tuyệt:
偶尋流水上崔嵬
五老蒼顏一笑開
若見謫仙煩記語
匡山頭白早歸來
Ngẫu tầm lưu thủy thượng thôi ngôi
Ngũ lão thương nhan nhất tiếu khai
Nhược kiến Trích tiên phiền ký ngữ
Khuông sơn đầu bạch tảo qui lai
Ông nói, ngẫu hứng lần theo dòng suối mà lên đến chỗ cao chót vót đó. Ngọn Ngũ lão, như năm ông lão da mồi, cùng nở nụ cười chào đón. Nếu có gặp Trích tiên Lý Bạch, nhớ nhắn hộ là bao giờ đầu bạc trắng hãy trở về Khuông sơn, tức Lô sơn. Ông nhắc đến Lý Bạch, có lẽ gợi hứng từ bài thơ “Trông về ngọn Ngũ lão trên Lô sơn” của Lý Bạch, với lời hẹn trong hai câu thơ:
九江秀色可攬結
吾將此地鎖篔松
Cửu giang tú sắc khả lãm kết
Ngô tương thử địa sào vân trung
Lô sơn với dòng Cửu giang thanh kỳ tú lệ, sẽ chọn nơi này để khóa cửa tùng cao vút tận mây.
Đến chùa Đông lâm, ông đề một bài thơ tứ tuyệt lên vách, và kể từ đó, Lô sơn trở thành một ẩn ngữ kỳ lạ cho thi ca:
橫看成嶺惻成峰
遠近膏低各不同
不識盧山真面目
只緣身在此山中
Hoành khan thành lãnh trắc thành phong
Viễn cận cao đê các bất đồng
Bất thức Lô sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung
Lô sơn, được nhìn ngang, nó như một dải núi dài; nhìn nghiêng, lại thấy nó là một ngọn núi cao. Nhìn thấy gần, hay xa, thấy núi cao hay núi thấp. Lô sơn ẩn hiện thiên hình vạn trạng. Vậy thì, chân diện mục của Lô sơn làm sao mà biết cho nổi? Cứ vào trong núi thì biết.7Hay là không biết được chân diện mục của Lô sơn, chỉ vì thân ta ở ngay trong núi?
5
Một bài thơ khác, được truyền tụng thịnh hành trong giới Thiền tông, nói là của ông. Nhưng không rõ ông làm lúc nào. Trong các tập thi văn của ông, không thấy có. Bài thơ nói khá tinh tế về đạo Thiền, cũng khó biết rõ chân diện mục như Lô sơn.
盧山湮鎖浙江潮
未到生平恨不逍
到得還來無別事
盧山湮鎖浙江潮
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoằn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Bài dịch thơ bằng tiếng Việt hay nhất (không nhớ dịch giả):
Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.
6
Sách Tục Truyền đăng lục chép:
Đông thiền Huệ Năng, đời thứ 14, pháp tự của Đông Lâm Chiếu Giác Thường Tổng thiền sư: Nội hàn8Nội hàn: chỉ chức Hàn lâm học sỹ. Tô Thức cư sĩ.
Nội hàn, Đông Pha cư sĩ, Tô Thức, tự Tử Chiêm. Nhân ngủ đêm tại chùa Đông lâm (trên Lô sơn), cùng với Chiếu Giác luận về đề tài “vô tình”, rồi tỉnh ngộ. Sáng ra làm bài kệ trình sư:
溪聲便是廣長舌
山色豈非清淨身
夜來八萬四千偈
他日如何舉似人Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
Tha nhật như hà cử tợ nhânSuối reo vẫn Pháp âm bất tuyệt
Màu non kia Chân thể Như lai
Đêm đó tám vạn bốn nghìn kệ
Ngày sau nói lại làm sao đây?Ít lâu sau, đến Kinh nam. Nghe đồn thiền sư Ngọc Tuyền Thừa Hạo, biện luận sắc bén đụng không nổi. Ông mới thay đổi y phục, trá hình tìm đến xin ra mắt. Hạo hỏi:
– Tánh danh của tôn quan?
Ông đáp:
– Tôi tên Cân; tức là Cân hết thảy các cái Cân trưởng lão trong thiên hạ.
Hạo hét lên một tiếng, rồi hỏi:
– Nặng bao nhiêu?
Ông không đáp được. Rồi từ đó khâm phục.
Về sau, qua Kim sơn; ở đó có bức chân dung của ông. Ông đề giỡn vào đó:
心似已灰之木
身如不繫之舟
問汝平生何業
黃州惠州瓊州
Tâm tợ dĩ hôi chi mộc
Thân như bất hệ chi châu
Vấn nhữ bình sinh hà nghiệp
Hoàng châu Quỳnh châu Huệ châu
Tâm như thanh củi tro tàn
Thân như thuyền lỏng theo ngàn nước trôi
Hỏi ông công nghiệp một đời
Hoàng châu, Quỳnh, Huệ những ngày những năm
Hoàng châu, Quỳnh châu, Huệ châu, vân vân châu; những đoạn đường đày ải; những ngày tháng đoạn trường khổ lụy. Cuộc đời ông như một con thuyền buông lỏng, thả trôi cho nước cuốn. Những cuộc thơ của ông thì sao: Khổ lụy? Phiêu bồng? Đọa đày? Viễn mộng? Đâu là chân tướng, chân thể, chân tâm? Chân diện mục của Lô sơn, không phải là dễ thấy.
7
Ông bị biếm trích ở Hoàng châu, rồi sau qua Thương châu; 51 tuổi, được ân xá, chiếu hồi về triều.9Lúc Đông Pha đang làm quan ở Thường châu thì Tống Thần Tông băng. Triết Tông lên ngôi, lúc đó mới 10 tuổi. Thái hoàng Thái hậu là Tuyên Nhân hậu nhiếp chính. Bà vốn trọng tài Đông Pha. Nhân quyền bính trong tay, Bà cho Đông Pha phục chức, phong làm Triều phụng lang, chuyển sang Đăng châu. Sau đó triệu về triều làm Lang trung Bỗ lễ, rồi thuyên chuyển sang làm Khởi cư Xá nhân. Triết Tông, Nguyên hựu năm thứ nhất (1086), Đông Pha được lên hàng cửu phẩm, thuyên chuyển làm Trung thư xá nhân. Sau đó, giữ chức Hàn lâm học sỹ. Năm sau, kiêm chức Hàn lâm thị độc. Cuộc đời ông bây giờ sẽ bắt đầu một đoạn đường danh vọng gần mức tột cùng. Sau năm năm trường đày ải, trên đường trở về triều, ngang qua Tiền đường, ông gặp Dương Kiệt. Dương Kiệt, tự Thư Công, hiệu Vô Vi cư sĩ, bấy giờ đang làm quan ở bộ Lễ, Kiệt vâng mạng triều đình hộ tống vương tử Triều tiên, đạo hiệu Nghĩa Thiên tăng thống, đi du lãm các danh thắng vùng đất Giang nam. Ông làm bài tiễn Dương Kiệt và tự viết lời dẫn cho bài thơ:
“Vô Vi cư sĩ đã có lần phụng sứ lên Thái sơn tuyệt đỉnh, được thấy mặt trời lúc gà bắt đầu gáy nửa đêm. Lại có lần hữu sự ngang qua Hoa sơn, ngày trùng cửu (ngày lễ hoa cúc, mồng 9-9), uống rượu trên ngọn Liên hoa phong. Nay ông lại phụng chiếu cùng Tăng thống Cao ly sang chơi Tiền đường. Tất cả đều là do vương sự mà lại được cái vui thế ngoại. Quả là kỳ diệu chưa từng có.”
Lời dẫn hé cho thấy một góc trời trong cõi thi ca của ông; một góc cạnh nào đó của Lô sơn chân diện mục. Cuộc chơi trong cõi mộng của thi ca còn có phong độ phiêu bồng của những cuộc giao tình phương ngoại; cuộc giao tình với ngoài kia những phương trời diệu vợi. Lô sơn hùng vĩ, phiêu bồng, nhưng u uẩn. Lòng núi dấu kín những tâm sự nghìn năm không nói; lòng núi ủ ín những cuộc đời trầm mặc; những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm, cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ, và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát. Cõi thi ca trùng trùng điệp điệp nhưng ẩn ngữ kỳ diệu. Khách phàm trần bươn bả, thuyền đổ bến Bành lãi hay Tầm dương, chỉ thấy đó là một cõi đẹp của khói mờ sương phủ; chỉ thấy đó là một bầu trời trong chiều tà rồi nắng quái, trong nắng quái rồi chiều tà. Làm sao thấy và nghe những tình tự u trầm trong đó? Hoặc u trầm, hoặc cuồng nộ. Lô sơn có thiên hình vạn trạng. Những chiếc nón hoàng quan của đạo sĩ, những chiếc áo phù nạp của thiền tăng; đầu này vẳng tiếng Huỳnh đình, đầu kia dội tiếng chuông triêu mộ. Những hình bóng và những âm hưởng đó, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, bên dòng lịch sử trường mộng của nhân sinh đổ ầm xuống; có những cuộc thi gan tuế nguyệt diễn ra trong lạnh lùng, cô tịch. Ngày và đêm, đày đọa hình hài và tâm trí, đứng trơ vơ, kinh đảm hãi hùng, trên chiếc cầu độc mộc, bắc ngang qua ghềnh sinh tử. Phương ngoại là cõi của ngày tháng phiêu bồng, có trăng thanh gió mát, có nắng quái tà dương, có xuân lan thu cúc, có đủ tất cả mọi thứ thanh nhàn, tiêu sái, phóng dật… mà người đời mong ước. Nhưng đó chỉ là Lô sơn từ bến Tầm dương nhìn lại, hay từ bến Bành lãi trông sang. Xa hay gần, cao hay thấp, Lô sơn đẹp trong thiên hành vạn trạng. Giữa lòng Lô sơn, ngày tháng u trầm trôi qua trong những phương trời đọa đày viễn mộng. Phải chăng đây đã là nơi sơn cùng thủy tận của một cõi thi ca bát ngát?
Từ khi bước ngang qua:
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
(Kiều)
Và từ đó đã bước ngay vào một trường thiên lịch sử đọa đày, khổ lụy:
Mối tình đòi đoạn vò tơ
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
(Kiều)
Tình cố quận, tình tha hương trong những ngày lưu lạc, và chân trời phương ngoại cho những ngày tháng tiêu dao, hồn thơ bay cao vút đến mấy vạn trời mây, vẫn còn đồng vọng Lô sơn; một chiếc cầu độc mộc cheo leo, bắc ngang qua bên này và bên kia, hai bên bờ của một cõi sống và chết, mà bên dưới là vực thẳm tuyệt mù, dội lên những ẩn ngữ kỳ lạ của dòng lịch sử kinh hoàng, trôi ào ạt trong cái lặng lẽ vô thanh vô tức. Ẩn ngữ cùng tuyệt của thi ca đồng vọng từ đó, hay từ đâu? Lô sơn đẹp trong thiên hình vạn trạng, và chân diện mục của Lô sơn ra sao?
8
Ông viết về Sâm Liêu Tử, một người bạn trong mối giao tình thi ca, và trong cuộc giao tình phương ngoại.
Đông Pha cư sĩ nói: Thưa! Sâm Liêu Tử, có cái thân lạnh mà đạo giàu. Văn thì rành rõi mà nói năng chậm chạp. Bên ngoài mềm nhũn mà bên trong cứng cỏi. Đối với người thì không ganh đua mà đối với cái quấy của bạn bè thì hay châm chọc. Hình khô tâm tro lạnh mà thích lời cảm khái với thời, thưởng ngoạn với vật, và không thể vong tình. Đó là chỗ mà tôi gọi là Sâm Liêu Tử có năm điều không thể hiểu.
Xưa kia, Lý Bạch cũng có một người bạn tên Sâm Liêu Tử. Đông Pha cũng có một người bạn như vậy. Sâm Liêu Tử của Đông Pha là biệt hiệu của tăng Đạo Tiềm, một sư tăng ở Tiền đường. Đạo Tiềm rất thích thơ. Trước khi Đông Pha đáo nhiệm Tiền đường hai người đã biết nhau, qua giấc mộng. Nên khi tới Tiền đường, Đông Pha liền đi tìm gặp ngay Đạo Tiềm, rồi viết Ưng mộng ký (?). Hai người qua lại làm thơ với nhau. Thơ của họ được khắc nhiều nơi các vách đá trong vùng Giang Triết.
Năm Nguyên hựu thứ 6 (1091),10Từ năm Nguyên hựu 4 (1089), vì những tranh chấp tại triều, biết mình có thể bị hại nên xin ngoại nghiệm. Tuyên Nhân Hậu phong ông hàm Long đồ các học sỹ, trấn nhiệm Hàng châu. Đây là lần thứ hai ông ra coi Hàng châu. Nguyên hựu 6 (1091), ông được triệu về triều, làm Lại bộ Thượng thư, sau đổi sang làm Hàn lâm thừa chỉ. Làm việc ở Hàn lâm chưa bao lâu, ông lại xin ngoại nhiệm để tránh những dèm pha tại triều. Ông được phong hàm Long đồ các ra ngoại nhiệm Dĩnh châu. Năm sau (1092) lại được triệu về làm Binh bộ Thượng thư kiêm Thị độc. Lần lượt thuyên chuyển sang bộ Lễ. Lại bị sàm tấu mưu hại. Nhưng nhà Tuyên Nhân hậu sáng suốt nên ông khỏi tội. từ Tiền đường, ông được lịnh gọi trở về triều, ông để lại bài từ, theo điệu “Bát thanh cam châu”, tặng Sâm Liêu Tử:
有情風萬里卷潮來,
無情送潮歸。
問錢塘江上,
西興浦口,
幾度斜暉?
不用思量今古,
俯仰昔人非。
誰似東坡老:
白首忘機。
記取西湖西畔,
正春山好處,
空翠煙霏。
算詩人相得,
如我與君稀。
約它年東還海道,
願謝公雅志莫相違。
西州路,
不應回首,
為我沾衣
Hữu tình phong vạn lý quyền triều lai,
Vô tình tống triều khứ.
Vấn Tiền đường giang thượng,
Tây hưng phố khẩu
Kỷ độ tà huy.
Bất dụng tư lương kim cổ,
Phủ ngưỡng tích nhân phi,
Thùy tợ Đông Pha lão,
Bạch thủ vong ky,
Ký thủ Tây hồ tây bạn,
Chánh xuân sơn hảo xứ
Không thúy yên phi
Toán thi nhân tương đắc,
Như ngã dữ quân hi.
Ước tha niên đông hoàn hải đạo,
Nguyện Tạ công nhã ý mạc tương vi.
Tây châu lộ,
Bất ưng hồi thủ,
Vị ngã triêm y.
Hữu tình thì ngọn gió từ một vạn dặm cuộn sóng tới. Vô tình thì đưa con sóng trở về. Thử hỏi, trên sông Tiền đường, và phố khẩu Tây hưng, qua mấy độ tà huy? Không kể gì kim hay cổ; cúi và ngước,11“cúi ngước”, chỉ khoảng thời gian rất ngắn. thấy người xưa đã khác. Xem chừng lão Đông Pha, đầu bạc dửng dưng đời.
Nhớ lấy cảnh bờ tây của Tây hồ, sắc xuân lồng lộng, trời xanh thăm thẳm, khói mưa mù. Người thơ tương đắc, như tôi với Ngài, phỏng được bao nhiêu? Hẹn sang năm, vượt bỏ dặm ngàn trở lại đây, giữ mãi tấm lòng hoài vọng không bao giờ thôi. Đường Tây châu, đừng có quay đầu, vì tôi mà đẫm áo.
Đó là một cuộc giao tình tương đắc của những người bạn thơ. Ngoài cuộc đó, còn là một giao tình phương ngoại. Phương ngoại du, là cuộc chơi của những mặt công hầu rám nắng, trong một thuở tạm thời rửa mặt đi bàn chuyện Không hư, bàn cãi Không và cái Hữu của tử sinh trường mộng. Thì ở đó, một tấm lòng thơ đã mở ra bao trùm cả hai cõi. Lời thơ sẽ lai láng cho tình thơ nồng nàn. Lời thơ sẽ điềm đạm cho trời thơ nghiêm nghị. Lời thơ sẽ phiêu bồng cho trời thơ lãng đãng. Lời thơ sẽ ngậm ngùi cho trời thơ cô tịch. Lời thơ sẽ cay đắng cho trời thơ đày đọa. Lời thơ vần vũ, và trời thơ trùng trùng điệp điệp bao la. Làm sao để mở rộng tấm lòng của mình cho thành tấm lòng của trời thơ lồng lộng, nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn, ba mươi sáu ngọn núi xanh cao ngất?
Thơ ông tiễn Đạo Tiềm nói:
上人学苦空,
百念已灰冷。
剑头唯一吷,
焦谷无新颖。
胡为逐吾辈,
文字争蔚炳?
新诗如玉屑,
出语便清警。
退之论草书,
万事未尝屏。
忧愁不平气,
一寓笔所骋。
颇怪浮屠人,
视身如丘井。
颓然寄淡泊,
谁与发豪猛?
细思乃不然,
真巧非幻影。
欲令诗语妙,
无厌空且静。
静故了群动,
空故纳万境。
阅世走人间,
观身卧云岭。
成酸杂众好,
中有至味永。
诗法不相妨,
此语当更请。
Thượng nhân học Khổ Không
Bách niệm dĩ hôi lãnh
Kiếm đầu duy nhất quyết
Tiểu cốc vô tân dĩnh
Hồ vi trục ngã bối
Văn tự tranh ủy bính
Tân thi như ngọc tiết
Xuất ngữ tiện thanh kỉnh
Thối Chi luận thảo thơ
Vạn sự vị thường bính
Ưu sầu bất bình khí
Nhất ngụ bút sở sính
Phả quái Phù đồ nhân
Thị thân như khâu tỉnh
Đồi nhiên ký đạm bạc
Thùy dữ phát hào mãnh
Tế tư nãi bất nhiên
Chân xảo phi ảo ảnh
Dục linh thi ngữ diệu
Vô áp Không thả Tĩnh
Tĩnh cố liễu quần động
Không cố nạp vạn cảnh
Duyệt thế tẩu nhân gian
Quán thân ngọa vân lĩnh
Hàm toan tạp chúng hảo
Trung hữu chi vị vĩnh
Thi Pháp bất tương phương
Thử ngữ đương cánh thỉnh
Đó là một bài thơ, hay một bài văn luận về phép làm thơ, gọi nó là thể nào cũng được. Lô sơn có thiên hình vạn trạng, nhìn ngang hay nhìn dọc, tùy. Ông nói, đại khái như thế này:
Thượng nhân học về cái lẽ Khổ Không; một trăm thứ niệm tưởng đã thành tro lạnh hết. Cũng tợ thế vung lưỡi kiếm một cái là y như gió thổi chẻ hạt thóc lép, không còn chút bụi cám. Tại sao ngài lại phải chạy theo bọn tôi, tranh đua về cái vẻ rực rỡ của văn tự? Bài thơ bọn tôi mới làm, nó đẹp như tán vụn viên ngọc lóng lánh; lời thơ vừa ra là đã trong veo kỳ lạ. Hàn Thối Chi (Hàn Dũ), luận cách viết chữ thảo, mà chưa hề bỏ bê mọi việc. Cái u sầu, cái khí bất bình, nội một nét bút là hàm tất cả.
Lạ thay, những người đi tu Phật, coi thân này như là gò, như là giếng, chật hẹp và tù túng, nên chịu cảnh đạm bạc trơ vơ, thì đã bộc bạch cái hào, cái mãnh với ai?
Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì không phải thế. Cái ảo diệu không phải là cái ảo ảnh. Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngẫm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà chỉ thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời.
Thơ và Pháp (Đạo) không chống trái nhau, không hại nhau. Cái đó lại nhờ Thượng nhân hạ quyết. Nhờ hạ quyết? Không nhờ, cũng đã quyết. Người học Thiền, học từ cái khổ đau, hư ảo; học cho thân tâm ra là thứ tro tàn nguội lạnh. Học như thế là học để mà đọa đày. Sở đạt của sở học đó, là buông thả, là hoàn thành cái Không và trở thành cái Tĩnh. Buông thả, thì không câu chấp, không còn bị ràng buộc. Cũng tiêu dao như hồn thơ thoát sái và lãng mạn. Tâm Tĩnh, thì trầm lặng như mặt nước không gợn sóng, phản chiếu trọn vẹn ngoại cảnh. Tâm Không, thì Tâm rộng như mặt biển bao la, dung nạp tất cả ngân hà tinh đẩu. Người học Thiền chịu đọa đày cho thân mình gầy, cho tâm mình nguội, trong đó có cái diệu dụng phi thường của nó. Người làm thơ, cuộc đời bị đầy ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn. Suốt đời học Thiền; suốt đời vẫn đày đọa thân tâm; đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đọa đó, mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ, thì suốt đời khổ lụy lao đao; nhưng không là khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?
Nhưng, ai nói người học Thiền phải chịu đày đọa thân tâm? Họ nhàn hạ, họ thong dong, họ tiêu sái; họ lãng đãng như Lô sơn thấp thoáng giữa mây trắng và sương mờ. Tuy nhiên như thế, nhưng ai quyết rằng tâm hồn đó trầm mặc như nước hồ không dao động? Giữa lòng Lô sơn, giải Ngân hà trên bầu trời cô tịch không ngừng đổ xuống ầm ầm như sấm sét.
Thi sĩ và Thiền sư cũng lao đao, và cũng tiêu sái, trong cùng một cõi trầm mặc phiêu bồng, vừa Không vừa Tĩnh. Ngọc đường kim mã hay Giang bắc Giang nam; lão thần nghinh ngang nơi ngọc đường kim mã, hay lão thần cô quạnh nơi Hoàng châu, Huệ châu…, đày ải hay không đày ải, hồn thơ vẫn điềm đạm bao la trong thơ huy hoàng bát ngát. Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng nghe chừng như là phải kinh hoàng táng đảm, nó làm cho đất liền cũng trở thành sa mạc, với nóng cháy và với gió rét kinh hồn. Thế mà lại khác hẳn. Đó là cái Không Không và Tĩnh Tĩnh, cõi của mây trời trên đỉnh núi. Khách phàm trần chưa bước tới nổi, nên cứ tưởng là nơi khổ lụy tột cùng, hoặc huy hoàng tráng lệ. Cõi thơ có trùng trùng ẩn ngữ.
Đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên, không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó. Nói được một cách dễ dãi, hay không dễ dãi, như thế chẳng khác nào đàn bà con nít cũng biết giảng chỗ ảo diệu của Ngộ Thiền. Ông viết trong bài bạt của khắc kinh Lăng già như thế này:
… Chỉ lấy theo chỗ giản tiện; được một câu kinh, một bài kệ, tự cho là liễu chứng. Cho đến cả bọn đàn bà, con nít, dong tay cười giỡn, đua nhau bàn bạc hương vị Thiền. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vị lợi. Cái dư ba mạt lưu đó không đâu không chảy tới. Mà cái vi diệu của Phật Pháp đã mất rồi. Chẳng khác nào thầy lang quê mùa – (may mà chữa lành bịnh nhẹ)…
Đại khái, nơi cõi Thiền cũng có cái khó phân biệt Chân và Ngụy. Cõi thơ há lại không? Nhưng chỉ thẳng vào chỗ đó, không thể được. Nó không phải là chỗ dị đồng giữa con chó và con cọp, hay giữa cọp thực và cọp giấy.
Quả nhiên điều thấy rõ là ông đã giảng giải thế nào là Thơ, và thế nào là Thiền. Và cũng thấy rõ là trong đó có chỗ đồng và chỗ dị. Nhưng chỉ thẳng vào những chỗ đó, thiên nan vạn nan.
Có thể đọc lại bài thơ ông tặng Đạo Tiềm, đã dẫn ở trên kia. Bài thơ:
Vi văn Lô nhạc đa chân ẩn
Cố tựu cao nhân đoạn túc phan
Dĩ hỉ Thiền Tâm vô biệt ngữ
Thượng hiềm thế phát hữu thi ban
Dị đồng mạc vấn nghi tam ngữ
Vật ngã chung đương phó bát hoàn
Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ
Cử đâu tam thập lục thanh sơn.
9
Tống Triết Tông, năm đầu niên hiệu Nguyên hựu (1086), vương tử Cao li, Tăng thống Nghĩa Thiên, sang thăm Trung Hoa, tìm hiểu Phật giáo Hoa nghiêm tông. Vua sắc chỉ Đông kinh Giác nghiêm Thành thiền sư ứng đối. Thành đề cử sư Tịnh Nguyên ở Tiền đường, thay thế mình. Vua mới lịnh cho Dương Kiệt hộ tống Nghĩa Thiên tăng thống đến Tiền đường. Các tự viện làm lễ đón và đưa rất rầm rộ.
Khi Nghĩa Thiên mới đến Kinh sư, vua sắc Lễ bộ Tô Thức tiếp đón. Rồi đến yết Viên chiếu Bản thiền sư, thảo luận về tông chỉ Phật Pháp. Sau đó, đến Kim sơn. Ở đó, Phật Ân ngồi mà đón và nhận lễ cúng nạp. Dương Kiệt kinh ngạc hỏi. Phật Ấn đáp: Nghĩa Thiên là tăng nước ngoài, nhưng luật của người xuất gia không phân biệt biên vực quốc gia, do đó, không vì Nghĩa Thiên đến với tư cách một vương tử ngoại quốc, được triều đình đãi như một thượng khách, mà sư phải theo cách tiếp đãi của triều đình. Triết tông biết việc đó, rất khâm phục thái độ của Phật Ấn. Về sau, vua mang chiếc áo nạp12Nạp y, áo của sư, do nhiều mảnh vải ghép lại, biểu hiện cho sự thanh bần. do Cao li tiến cống tặng cho Phật Ấn. Đông Pha viết bài Ma nạp tán:
TỰA:
Trưởng lão Phật Ấn đại sư Liễu Nguyên, dạo chơi Kinh sư. Thiên tử nghe danh sư, đem chiếc áo Ma nạp do nước Cao lệ cống hiến ban cho sư.
Khách có người thấy, khen rằng: Hỡi ôi! Đẹp thay! Chưa từng thấy vậy. Tôi và con tôi đã thử nắm vạt nó trải ra, theo cái chéo nó trương lên mà tung ra; từ phía đông tận đất Ngung di, phía tây tới Muội cốc, phía nam Giao chỉ, phía bắc U đô, tất cả đều nằm trong lỗ kim khe chỉ của tất cả.
Phật Ấn cười hô hố, nói: Ăn thua gì! Các ông nói còn quê mùa lắm. Tôi lấy con mắt Pháp mà nhìn nó, thấy trong mỗi lỗ kim có vô lượng thế giới. Rồi trong mỗi thế giới đó, có bao nhiêu chúng sinh, mà mỗi lỗ kim khe chỉ của mỗi chiếc áo mặc đều là thế giới. Cứ lần lượt như thế cho đến tám mươi lần, mà quang minh của Phật tôi đều rọi tới, cùng với Thánh đức của Quân thượng tôi bao trùm như đem biển cả mà đổ vào một lỗ chân lông, như để cõi đất mà lấp một lỗ kim. Thì những Ngung di, Mười cốc, Giao chỉ, U đô, có gì đáng nói. Nên biết rằng, chiếc áo nạp đó không phải lớn, không phải nhỏ, không phải ngắn, không phải dài, không phải nặng, không phải nhẹ, không phải mỏng, không phải dày, không phải Sắc, không phải Không. Hết thảy thế gian chịu lạnh đến nứt da, rụng ngón mà áo nạp đó không lạnh; nóng đến độ đá tan, vàng chảy mà áo nạp đó không nóng; năm thứ dơ bẩn lai láng của thế gian không làm nó bợn, lửa kiếp tận hừng hực đốt rụi thế gian mà áo nạp đó không hoại. Sao lại có tâm tư duy sinh ra nghĩ tưởng hèn kém?
Nhân đó, người đất Thục là Tô Thức nghe vậy mới làm bài tán rằng:
Xếp lại mà cất
Thấy nạp không thấy sư
Mặc mà không xếp
Thấy sư không thấy nạp
Chỉ sư với nạp
Phi một phi hai
Chột mắt mà nhìn
Rận rệp rồng voi
…
Phật Ấn Liễu Nguyên, hiệu Giác Lão. Lúc Đông Pha bị biếm trích ở Hoàng châu, thì sư trụ ở chùa Qui tông, Lô sơn. Hoàng châu và Qui tông đối ngạn, nên ông và sư thường hay qua lại giao thiệp, trao đổi làm thơ, đi ngoạn cảnh.
Sau sư dời sang ở chùa Kim sơn. Một hôm ông đến thăm vào lúc sư đang giảng kinh cho tăng trong chùa. Họ đứng hai hàng để nghe. Ông đến, sư nói: “Nơi đây không có giường ghế. Cư sĩ đến, biết ngồi ở đâu bây giờ?” Ông bảo: “Vậy thì mượn đỡ tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi”. Nghĩa là, ông mượn cái thân tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi. Phật Ấn nói “Sơn tăng này có một câu hỏi, nếu thí chủ đáp được, sẽ theo lời cho mượn thân tứ đại này làm giường ngồi. Nếu không, xin để lại sợi ngọc đái làm vật trấn sơn môn”. Ngọc đái là dải dây buộc ngang lưng của bậc thượng lưu thời đó, được đem ra đánh cuộc, để làm báu vật trấn giữ cửa chùa. Ông liền cởi ngay giải dây đặt lên bàn. Sư hỏi: “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu. Cư sĩ muốn ngồi vào đâu?” Ông ngẫm nghĩ, chưa kịp trả lời, thì sư đã gọi gấp thị giả mang sợi đái đi cất, để làm vật trấn sơn môn. Ông làm ngay hai bài thơ tặng sư (trích một bài đọc chơi):
病骨難堪玉帶圍,
鈍根仍落箭鋒機。
欲教乞食歌姬院,
故與雲山舊衲衣
Bịnh cốt nan kham ngọc đái vi
Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki
Dục giao khất thực ca cơ viện
Cố dữ sơn vân cựu nạp y.
Xương gầy giải ngọc buộc sao vô?
Hồ đồ thấp trí chịu thua cơ.
Những mong kiếm chác trò con hát;
Nay để làm duyên với cửa chùa.
Chuyện đó trở thành cái giai thoại mà người ta truyền tụng là “Ngọc đái trấn sơn môn” rất thịnh hành.
10
Năm ông 49 tuổi. Kể từ khi bị biếm trích ra Hoàng châu đến bây giờ, là đã hơn bốn năm. Tháng 4 năm đó, giáp tý (1084), ông được lệnh phải dời sang Nhữ châu.13Có lần Thần Tông nói với Tể tướng Vương Khuê và Thái Xác: “Quốc sử chi ư quan trọng. Cần phải để cho Tô Thức hoàn thành”. Vương Khuê tỏ vẻ khó xử. Thần Tông nói: “Nếu Thức không thể, thì hãy dùng Tăng Củng”. Tăng Củng dâng Thái Tổ tổng luận; Thần Tông chưa vừa ý. Bèn tự tay viết trát chuyển Tô Thức sang Nhữ châu, và nói: “Tô Thức bị đày đã lâu. Nhân tài thật khó có, không nỡ bỏ phí”. Trên đường đi Nhữ châu, ông gặp Tử Do ở Quân châu. Lúc này, Tử Do ở Quân châu; sai sư Vân Am ở chùa Động sơn; Thông thiền sư, người đất Thục, ngụ tại chùa Thọ thánh. Tối đó, cả ba người cùng thấy một giấc mộng giống nhau. Họ thấy đi đón Ngũ tổ Sư Giới hòa thượng. Sư Giới là một thiền sư đời thứ chín của dòng thiền Huệ Năng. Cả ba cùng vỗ tay cười lớn: “Thế gian quả có chuyện đồng mộng, lạ thay!” Ít lâu, thư của ông đến báo tin là ông đã tới Phụng tân, sẽ gặp nhau trong sớm tối. Ba người cùng ra ngoài 20 dặm chùa Kiến sơ thì gặp ông. Mỗi người lần lượt kể giấc mộng của mình. Ông mới nói: “Tôi hồi 7, 8 tuổi, có lần nằm mộng thấy mình làm tăng, qua lại bên Thiểm hữu”. Sư Vân Am cả kinh, nói: “Sư Giới là người Thiểm hữu. Tuổi về già, bỏ chùa Ngũ tổ đến dạo ở Cao an, sau mất tại chùa Đại ngu. Tính ngược lại, đã đúng 50 năm”. Bấy giờ ông 49 tuổi. Vậy, đại khái, đời trước ông là thiền sư Ngũ tổ Sư Giới. Nhưng nghe nói Sư Giới đã tỏ ngộ đạo thiền, đã đắc đạo, sau thác sinh ra ông lại phải trải qua một kiếp lao đao đày ải như thế?
11
Ông bị đày xuống Quảng đông, rồi Hải nam, từ năm 59 tuổi, cho đến 66 tuổi thì được tha về.
Trong thời gian này, ông quen thân với sư Trung Biện. Ông viết dật sự của sư Trung Biện, tức Nam Hoa trưởng lão.
Thiền sư Khế Tung14Khê Tung, thiền sư thuộc dòng thiền Vân môn, đời Tống. Viết sách đề xướng học thuyết “Nho Phật nhất trí”. Được Thần Tông phong hiệu “Minh Giáo Đại sư”. Mất năm Hi ninh thứ 5 (1072). thường sân; người ta chưa từng thấy sư cười. Sư Hải Nguyệt Biện thường vui, người ta chưa từng thấy sư giận. Tôi ở Tiền đường, chính mắt thấy hai vị đó đều ngồi kiết già mà hóa (chết). Khế Tung đã trà tì (thiêu xác), mà lửa không hủy hoại. Thêm củi cho lửa đỏ đến năm lần mới thôi. Hải Nguyệt đến khi táng mà gương mặt vẫn tươi như còn sống, lại còn cười nụ.
Thế mới biết hai người lấy cái sân và cái hỉ mà làm Phật sự vậy.
Người đời coi thân như vàng ngọc, không để cho gót chân dính bụi. Bậc Chí nhân thì ngược lại. Tôi lấy đó mà biết rằng, hết thảy các Pháp đều do ái mà hoại; do xả mà thường. Há không phải vậy sao?
Tôi từ Hải nam trở về, thì Trùng Biện tịch đã lâu. Qua Nam hoa điếu. Hỏi chúng tăng ở đó về chỗ mộ tháp của Sư. Họ bảo: “Thầy tôi xưa đã có làm thọ tháp, về phía đông Nam hoa vài dặm. Có người không ưa thầy, nên táng ở mộ khác. Đã hơn bảy trăm ngày rồi. Nay Trưởng lão Minh Công ra sức một mình, dời về thọ tháp. Thay quan, đổi áo, thấy trọn cả thân thể vẫn như đang còn sống; áo vẫn tươi và thơm. Mọi người hổ thẹn và kính phục”.
Đông Pha cư sĩ nói: “Trùng Biện coi thân là vật gì? Vứt nó vào rừng Thi đà15Thi-đà, phiên âm từ sanskrit: sita, dịch là “hàn lâm” (rừng lạnh), chỉ bãi tha ma, nơi vất xác người chết. để nuôi chim, nuôi quạ, đâu có sự để ở thọ tháp cho an ổn. Vì là, Minh Công là người biết rõ Trùng Biện, nên đặc biệt muốn lấy sự họa phúc đồng dị mà thôi.
Tôi mới đem trà, quả đến cúng ở tháp sư, rồi viết lại sự việc đó để gởi cho thượng túc đệ tử của sư là sư Khả Hưng. Nam hoa tháp chủ.
Bấy giờ niên hiệu Nguyên phù thứ 3 (1100), tháng 12, ngày 19”. Độ nửa tháng sau, ông viết bài “Nam Hoa trưởng lão đề danh ký”:
Học giả lấy sự thành Phật làm khó ư? Con nít vực đất, vẽ cát mà giỡn thôi, cũng đủ thành Phật, lấy đó mà cho dễ ư?
Những bậc đã được thọ ký, đã đắc đạo, như các vị Bồ tát và các Đại đệ tử (của Phật Thích Ca) mà còn không dám đi thăm bệnh (cư sĩ Duy-ma-cật), cái nghĩa đó là thế nào?
Lúc đang mê loạn điên đảo, trôi lăn trong biển khổ, mà vừa có một niệm. Chân chánh, thì vạn pháp đều có đủ cả. Còn như, cần khổ dụng công, như đắp núi đã cao đến chín bậc, sau chỉ vì một chút sai sẩy cỏn con mà một nghìn đời không phục lại nổi.
Hỡi ôi, Đạo vốn là như vậy đó!
Nhưng riêng gì Phật thôi ư? Thầy Tử Tư có nói: “Hạng phàm phu không ra gì cũng có thể hành (đạo) được; còn như chỗ tột cùng, thì dù là Thánh nhân cũng có chỗ chưa đủ sức”. Mạnh Tử thì cho rằng Đạo của Thánh nhân bắt đầu ở chỗ không làm việc trèo tường khoét vách mà cái ác của việc trèo tường khoét vách đã hiện ở lời nói. Không nói người chưa có ý muốn làm việc trèo tường khoét vách, thì dù có việc trèo tường khoét vách cũng không muốn. Từ cái tâm mình không muốn làm mà đi cầu nó (đạo), thì việc trèo tường khoét vách đã đủ để làm Thánh nhân rồi.
Đáng nói mà không nói. Không đáng nói lại nói: những điều như vậy, dù là Hiền nhân, Quân tử cũng không thể tránh khỏi. Nhân từ cái lỗi không thể tránh mà tiến tới, dù là Hiền nhân, Quân tử cũng có lúc phải đi ăn trộm.
Đó là hai phước gặp nhau, nhưng lạm dụng lẫn nhau. Nho và Thích cũng như nhau ở chỗ đó.
Nam Hoa trưởng lão Minh Công, trước kia theo cái học của Tử Tư, Mạnh tử. Sau bỏ nhà theo Phật. Người không biết, cho là trốn Nho theo Phật, chứ không biết Sư vẫn còn Nho.
Chúa Nam Hoa này, từ Ngài Lục tổ Đại Giám (Huệ Năng) thì diệt, những người truyền Pháp đắc đạo đều phân tán tứ phương, cho nên Nam Hoa lâu nay là chùa Luật (tông).
Đến đời Tống ta, trong niên hiệu Thiên hi thứ 3 (1019) mới bắt đầu có chiếu cử Tri Độ thiền sư Phổ Toại làm trụ trì. Cho đến sư Minh Thông bây giờ, đã được 11 đời.
Minh Công nói với Đông Pha cư sĩ: “Tể quan hành pháp thế gian. Sa môn hành pháp xuất thế gian. Thế gian tức xuất thế gian, như nhau không khác. Nay các tể quan truyền nhau đều có đề danh ghi lên vách; chỉ riêng sa môn là không có. Vả lại, đạo tràng tôi ở đây, sửa sang chỗ Phật Tổ thì được, nhưng sự truyền không nghiêm. Nhờ thầy viết hộ tôi bài ký.”
Cư sĩ thưa: Vâng.
Rồi luận Nho và Thích không gặp nhau nhưng đồng nhau, lấy đó làm bài ký này.
Năm đầu niên hiệu Kiến trung tĩnh quốc (1101), tháng giêng, ngày mồng 1.
12
Trên đường về Kinh, ông nằm mộng thấy làm một bài thơ gởi cho Chu Hành Trung. Hôm sau thức dậy, còn nhớ rõ cả. Và ông chép lại:
舜不作六器
誰知貴璵蹯
哀哉楚狂士
抱撲號空山
相如起睨柱
頭壁相與還
何如鄭子產
有澧國自閑
雖微韓宣子
鄙夫亦懷還
至今不貪寶
凜然超塵寰
Thuấn bất tác lục khí
Thùy tri quí Dư Phiên
Ai tai Sở cuồng sĩ
Bảo Phác hào không sơn
Tương Như khởi nghễ trụ
Đầu bích tương dữ hoàn
Hà như Trịnh Tử Sản
Hữu lễ quốc tự nhàn
Tuy vi Hàn Tuyên Tử
Bỉ phu diệc hoài Hoàn.
Chí kim bất tham bửu
Lẫm nhiên siêu trần hoàn.
Ít hôm sau, ngày 28 tháng 7, ông mất. Bài thơ làm trong mộng trên đây được người đời truyền tụng là tuyệt bút của ông.
Nếu vua Thuấn không chế ra sáu thứ dụng cụ,16Lục khí: sáu dụng cụ tế tự làm bằng các thứ ngọc: thương bích, hoàng tông, thanh khuê, xích chương, bạch hổ, huyễn hoàng. ai biết ngọc Phiên, ngọc Dư của bậc quân vương là quí?
Cuồng sĩ nước Sở có viên ngọc phác,17Ngọc phác: ngọc chưa dũa gọt. Thời Xuân thu (tr TL, 722-481), có người nước Sở tên Biện Hòa, lượm được viên ngọc phác, cho là quý, đem dâng Sở Lệ vương. Vai sai thợ ngọc thử, tâu chỉ là đá. Bị khép tội gạt vua, Biện Hòa bị cắt cụt một giò. Rồi Sở Vũ vương lên ngôi, Biện Hòa lại dâng ngọc. Cũng bị coi là đá, và bị cắt một chân nữa. Đến khi Sở Văn vương lên ngôi, Biện Hòa ôm ngọc mà khóc dưới chân núi Kinh sơn. Sở vương sai thợ ngọc thử. Lần này được tâu quả thực là ngọc quý. Từ đó có tên là ngọc (bích) Biện Hòa. Viên ngọc này về sau trở thành cớ để tranh chấp ngoại giao giữa Tần và Triệu, mà Lạn Tương Như thủ vai chính nhưng trong đời không ai cho đó là ngọc, mà coi đó là đá cuội, nên thương thay! Ôm ngọc mà kêu gào với núi hoang.
Khi người ta nhặt được ngọc Bích là quí, thì Lạn Tương Như cầm nó trong tay, liếc nhìn cái trụ, quyết ý đầu và ngọc sẽ cùng nát cả, thế mà hăm dọa được vua Tần, mang được trọn vẹn cả đầu cổ và ngọc Bích trở về Triệu.
Trịnh Tử Sản18Trịnh Tử Sản (tr, TL? 552), người thời Xuân thu, làm Tướng quốc nước Tấn. Một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của Trung quốc thời cổ. hộ tống Trịnh bá sang Tấn. Tấn hầu vì cớ có tang, không chịu tương kiến. Tử Sản cho phá sập nhà cửa, tường vách của Tấn, cho là chỗ chật hẹp, không phải lễ đãi khách đối với chư hầu như vậy. Làm dữ, thế mà quốc gia nhờ đó lại được yên ổn, vì là có lễ. Nhưng có cần làm vậy ư?
Có gia bảo ngọc Hoàn như Hàn Tuyên Tử,19Hàn Tuyên Tử hay Hàn Khởi, người nước Tấn, thời Xuân thu. dù đến khi nghèo kiệt, bọn đầy tớ trong nhà cũng có ngọc mà đeo.
Cho đến bây giờ, ta vẫn chưa hề tham đến những món quí, món báu. Cho nên, hiên ngang lẫm liệt đứng cao vọi bên trên tất cả cõi đời.
Đó là những lời tuyệt bút? Được truyền tụng là như thế. Và tuyệt bút của một người trong mộng. Trong cõi mộng, tâm sự của khách tài hoa nó kiêu hùng trong phong độ lẫm liệt hiên ngang. Tài hoa lãng mạn bát ngát như Lô sơn ẩn hiện giữa mây trắng và sương mù. Lẫm liệt siêu trần hoàn cũng y thể như ngọn lửa Lô sơn sừng sững giữa một cõi trời cô tịch.
Học thơ, và làm thơ, đạt đến cõi thượng thừa lẫm liệt của trời thơ, đến chỗ tài hoa tuyệt đỉnh của trời thơ; như viên ngọc quí giá vô tận. Đời không biết tới, người có nó cũng khổ lụy kêu gào với ngọn núi hoang vắng cô liêu. Mà đời biết đến nó, thì cũng khổ lụy kỳ cùng cho người có nó. Có, hay không có cái tài hoa tuyệt thế, cái lẫm liệt siêu trần, của một viên ngọc quí, vẫn là những cái làm khổ lụy cuộc đời. Khổ lụy, và triền miên khổ lụy, nó là thứ gì? Và tại sao lại có nó? Chân diện mục của Lô sơn được gói trọn vào trong một câu hỏi này ư? Nếu thế thì, Lô sơn trùng trùng điệp điệp, không làm sao bước tới, cho thấy tường tận chân diện mục nó. Những người đi dù đã bước tới, tận vào chỗ sơn cùng lộ tuyệt của nó, cũng không làm sao nói lại được một góc cạnh của cái thấy đó. Rồi từ đó, đột nhiên, trời Thơ trở nên là một, hay là những phương trời đọa đày viễn mộng. Đọa đày cho đến kỳ cùng, đọa đày cho thành kỳ diệu tuyệt mức.
“Lao viễn mộng”, đọa đày viễn mộng, của nhà thơ đó, một chân diện mục của Lô sơn mà khách trần tục lụy, nghìn đời không sao hé thấy.
Cõi thơ mở ra, và khép lại trong một cõi mộng không lời.
Từ bến Tầm dương, hay bến Bành lãi nhìn lên, Lô sơn khói tỏa sương mù.
Chân diện mục của Lô sơn?
Chân diện mục của Lô sơn?