Ðương niên song cối thị song đồng
(Tô Ðông Pha)
Những năm trước, hai gốc tùng trước sân như hai đứa trẻ, dáng điệu miệt mài trong cơn gió hiu hắt của mùa thu. Quanh năm suốt tháng, không một lời qua lại, không trao đổi nhau đến cả một chiếc lá đã qua mùa. Vào năm mưa bão nhiều, đôi khi nước dâng cao, từ xa vọng lại như một bãi tuyết trắng ngập nửa thân hình. Thỉnh thoảng vài cánh bướm ghé xuống, không hương sắc của phấn nhụy để bày tỏ một chút tình nồng nhiệt. Cánh bướm lại bay đi, vẫn không một cử chỉ xao động hứa hẹn nào. Chúng bình thản và trầm mặc, cố lớn lên cho kịp tấm lòng bao dung của trời đất. Bây giờ thì cả hai đã sừng sững ra đấy, như hai con rồng xanh không thiết đến chuyện làm mưa làm gió. Chẳng biết vô tình hay cố ý, một đôi người cũng thấy chủ nhân như đã muốn ký thác cái bản tính lưu linh hơn một nửa đời sôi nổi của mình ở đó. Mỗi năm một mùa nước lũ, cuốn đi một ít cái cao cách điệu của những trận cười. Từ mấy năm nay, những tiếng cười ấy không gượng đủ sức để chống chế lòng thác đổ ầm. Từng đêm, từng cơn ho dồn dập phủ xuống trên ngọn cây tùng. Và từng buổi sáng, ông chống gậy ra sân, thọc từng chiếc lá một của cây ngô đồng. Có vẻ như ông không cam tâm nhìn những chiếc lá đã đến mùa báo hiệu, mà vẫn cố lây lất mãi trên cành.
Buổi sáng như thế. Buổi tối như thế. Còn buổi trưa ông làm gì nhỉ ?
Tháng bảy, tháng tám, xứ Huế thường có mưa dầm. Dù vậy vào trưa trời cũng còn hơi lạnh. Nhưng ông chỉ bận một chiếc quần cụt, không ngớt nằm xuống, rồi lại ngồi dậy. Nóng từ bên trong. Sức nóng tàn bạo của hơi rượu chất chứa trên mấy mươi năm trời. Thân ông, bên ngoài như đống tro tàn đã nguội lạnh; bên trong lửa vẫn còn cháy âm ỉ. Gan ruột bị thiêu đốt. Một cái gì đó không ngớt hối thúc. Những sợi tóc bạc và lòng đất mát lạnh. Khí sắc của một thời chỉ còn phảng phất trong phong độ của hai gốc tùng.
– Cháu đi chiều hay khuya ?
Cậu cháu của ông đang ngồi quay lưng lại, tựa ở án sách đặt sát khung cửa sổ; chậm chạp gấp sách lại và nhón chân đứng dậy, ghé mắt nhìn ra trước sân. Trời đục như màu sữa. Mặt đất vẫn còn ướt.
– Hồi về, cháu cứ định là ở luôn đây. Mấy tháng này, cháu chỉ tập viết, cả ngày. Chữ có hơi tiến bộ. Nhưng còn rất nhiều nét móc câu thì không cách gì cháu viết coi cho được.
Ngay giữa nhà, một cái sập với bộ đồ trà màu đất nung. Giường của ông lão kê sát góc tường phía trái. Kế cận đó là án sách và cửa sổ. Bên trên vách tường mé phải, trong cái không khí lờ mờ, đẫm ướt, sau cơn mưa dai dẳng hơn hai ngày, người ta nhìn thấy những hàng chữ thảo, gầy và cứng, giống như những que củi khô ngang dọc. Nét chấm phá của mực tàu chồng lên vách tường vôi, vàng và cũ. Một mùa Xuân nào đó; nước đẫm ướt đầu mấy con vịt, như nhuộm trắng; một cụ già chống gậy tiếp khách. Khách mang theo cả một thời quá khứ của cụ, trong từng bước. Khách hẹn sẽ có ngày ghé thăm lại. Hòn núi trơ trọi trong buổi chiều, y ước đứng mãi đấy để đếm từng buổi nắng quái đi qua :
Ngang đầu vấn khác kỷ thời qui
Khách ngôn thu phong lạc điệp thì
Hệ mã lạc dương khai khẩu tiến
Bàng sơn y ước kiến tà huy
Những ánh nắng của buổi chiều lây lất và một mái tóc bạc đứng đợi cái gì đã đi qua và đi mất.
– Cháu rót cho ông chén nước.
Cụ ngồi dậy, hai tay tì lên mép giường, bỏ thõng chân xuống đất. Chỉ trong chốc lát, cụ lại nằm xuống, nghiên đầu nhìn cậu cháu út, rồi trở mặt vào vách, đưa quạt lên phẩy.
Cậu út bưng chén nước đặt lên chiếc ghế nhỏ ở đầu giường.
– Dạ, thưa ông, nước.
Cậu trở lại án sách, xếp lại chồng sách ngay ngắn, cắm những cây viết vào ống.
– Chiều chút nữa, cháu sang bên phố. Sáng mai lên tàu.
Ông cụ lại trở mình, cất đầu cao lên một chút; với tay bưng chén nước trà, nhấp một hớp nhỏ; rồi lại nằm xuống, buông quạt và nhắm mắt như muốn ngủ. Cậu út ngồi khoanh tay, tựa cằm lên án sách.
Như vậy, thoáng một cái đã mười một năm rồi; kể từ ngày cậu bỏ trốn ông nội ra đi, nay là lần đầu tiên về lại. Cậu mang về cho ông một ít khôn lớn và trầm tĩnh. Những năm trước đó nữa, qua cặp kính tuổi, ông vẫn còn có thể nhìn thấy đôi mắt của đứa cháu này một chân trời biền biệt; cái thứ biền biệt ấy đã lôi cuốn dây dưa quá nửa đời người. Bởi vì mỗi năm có một mùa nước lũ, bỗng không ông trở thành cột trụ của một gia đình, do chính mình tự dựng. Nước từ Trường Sơn đổ xuống ào ạt, cái hương sắc của rừng rú trải bao nhiêu lần gạn lọc, khi băng qua các làng mạc, phố phường. Một lần đã thấm cái hương vị mặn nồng và xanh ngát của biển thì không còn trông mong cơ hội chảy ngược về nguồn. Người con trai độc nhất của ông, sinh ra và lớn lên trong cao vọng của những con sóng bạc đầu. Cho đến cả thằng cháu lớn, cái địa vị ấy vẫn còn nồng đượm. Những dòng máu đỏ tươi đã đổ xuống theo dòng nước, cứ mải miết chảy dài ra cửa biển.
Nhưng, ở cậu út này, ông đã hy vọng biết bao; một đám mây trời nào đó trong tuổi thanh xuân của mình. Con trai của ông không giữ nỗi ông nghỉ yên với tuổi già, với những trầm lặng của một ngày đã xế. Tâm hồn ông còn quá nhiều sôi nổi. Hằng đêm, ông cất giọng đọc sách sang sảng. Cả nhà không ai ngủ được. Quanh phố cũng không ai ngủ được. Ðành phải kiếm cho ông một căn nhà xa phố. Lúc đó, cậu út vừa hơn mười một tuổi. Cậu nhất định theo ở với ông nội. Buổi sáng cậu vẫn phải sang phố học. Buổi chiều, ông dạy cháu học chữ Hán. Hơn nửa năm, cậu học xong Tam tự kinh, bộ Minh Tâm bửu giám và một nửa quyển Hán Cao tổ. Cha cậu không nói gì hết; nhưng ông hơi e ngại. Mai sau, thằng nhỏ sẽ làm được gì cho cuộc đời của nó? Bà mẹ có những lo sợ khác. Lối học chữ Hán của con bà như vậy, biết đây lớn lên nó chẳng cuồng chữ và loạn óc? Bà muốn nó uống mực Tàu cho thật nhiều để đầu óc nó hơi tối lại. Nhưng ông nội gạt đi.
Hai ông cháu ở với nhau gần được một năm, bỗng nhiên cậu út bỏ trốn ông nội, lẩn tránh cả cha mẹ, bỏ đi mất biệt. Bà mẹ âm thầm oán trách. Bằng chừng ấy tuổi, ngày ngày chỉ ôm những chuyện nào Lưu Bang, Hạng Vũ, nào Hàn Tín, Trương Lương; lại được ông nội tiêm nhiễm cho nào núi cao, nào biển rộng, nào sông dài, nhất đán không bỏ đi sao được? Quả thực là “cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh”.
Chẳng mấy chốc cũng đã mười một năm rồi đấy.
– Ông trồng hai gốc tùng bao lâu rồi, coi lớn dữ hỉ?
Trời càng về chiều, ông cụ càng mát và càng khỏe dần. Ông ngủ thiếp đi được một lúc.
Ngôi nhà của ông ở trên một cái cồn nhỏ giữa sông Hương. Người ta gọi nó là Cồn Hến. Mỗi lần qua phố, phải đi bằng đò. Năm kia, tỉnh cho bắc cầu từ Cồn sang Vĩ Dạ. Sẵn dịp, người ta cất một cái quán nhỏ. Buổi sáng nấu cơm tấm, buổi chiều người ta bán chè. Vào mùa bắp, chè bắp rất được hâm mộ. Bắp cồn này nổi tiếng là thứ ngon nhất của thành phố Huế. Từ khi có cầu bằng, buổi chiều khách từ bên phố lái xe vòng ngả Trường Tiền sang Vĩ Dạ, đến đây như để hóng mát. Cảnh chiều có hơi rộn rã. Tuy vậy, buổi tối vẫn còn giữ được cái không khí tịch mịch của một cồn nhỏ biệt lập giữa dòng sông. Ðêm đêm, cậu út bắc ghế gằm ở hiên nhà. Bên trong, chỉ một ngọn đèn dầu ở giữa sập. Chốc chốc, tiếng ho của cụ già khi lơi khi dồn dập. Trước sân, hai gốc tùng lặng lẽ rủ nhánh theo cơn gió đong đưa. Ông lão không còn nhìn thấy được gì trên thân hình của cháu nửa. Ðôi lần tỉnh táo, ông còn nghe ra những bước vừa chậm vừa gần. Ông chỉ thấy mơ hồ bóng dáng của cậu đi qua đi lại một mình. Cái giọng nói của nó trầm trầm như một người khách dây dưa trong cái cảnh nửa chiều nửa sáng.
Cậu về với ông nội ít lâu, vài ba năm gì đó. Một già một trẻ với một chút hy vọng ở bên kia bờ. Trời đất đâu đâu cũng đối đãi với người rất nồng hậu. Nhưng lòng người lại hay quyến luyến; tâm trạng của một cảnh hai quê. Người không trải rộng được lòng mình như tấm lòng bao dung của trời đất. Cái chí tình của người, một mai kia đổ lại, không lớn và không trong hơn một giọt sướng sớm trên chiếc lá. Chân trời biền biệt trong đôi mắt ấy chỉ được về bằng nước lã trên trang giấy trắng. Bầu trời càng cao thì càng trong, nhưng không sao rung động lòng người cho bằng khi có những đám mây rất thấp hay cuồn cuộn.
– Thưa ông, cháu sửa soạn đi bây giờ.
Ông cụ đã thức dậy nãy giờ. Hai tay khoanh lại làm gối, ngửa mặt trông lên trần nhà. Cậu út bước ra nhà sau. Ông cụ rút cánh tay mặt, gác lên trán. Khi cậu trở lên:
– Nì!
– Dạ!
Cụ quay mặt vào vách, rồi quay trở ra, nheo mắt nhìn về phía cửa sổ.
– Coi trời đã chiều hung chưa?
– Dạ, chiều lắm rồi.
Cậu bước ra sân, đưa mắt nhìn về phía mặt trời lặn. Ráng chiều, mây trắng và mây đen lẫn lộn. Cậu trở vào, vừa đi vừa nói vọng:
– Dạ, hơi có nắng. Phía tây bắc có ráng đỏ. Mai chắc mưa gió chi đây. Khi đến gần ông cụ, cậu đứng thẳng người, khẽ núi đầu.
– Dạ, thưa ông, cháu đi.
Lại một lần nữa. Ngày mai, trời sẽ có mưa hay gió gì đây. Vào mùa này, Huế thường có sương mù mỗi sáng. Lúc xe ngang qua cầu Trường Tiền, phía dưới kia dòng nước cồn nhỏ thấp thoáng như một hải đảo xa xôi nào đó.