Tuệ Sỹ

Cuối cùng sông núi gặp nhau

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo

Chiều thứ Bảy tuần rồi, trong Lễ Tưởng Niệm Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tôi được giao trách nhiệm tường thuật sự hình thành của Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Tôi thưa nhiều chi tiết nhưng có một chuyện chưa kịp thưa, đó là làm thế nào Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lại có thể đến tận tay Đức Đạt Lai Lạt Ma và đến một cách nhanh chóng trong khi nhiều nơi tại hải ngoại chưa có.

Chuyện rằng, sau thời gian biên tập và in ấn, Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được hoàn tất vào giữa tháng 11, 2023. Cũng trong thời điểm đó, một phái đoàn tăng ni và Phật tử Việt Nam đang chuẩn bị lên đường hành hương viếng thăm các Phật tích tại Ấn Độ. Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định và cũng là thành viên của Ban biên tập Kỷ Yếu chợt nghĩ ra một sáng kiến rất trang nghiêm nhưng cũng rất dễ thương: Thỉnh Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cùng lên đường hành hương với chư tăng ni và đồng bào Phật Tử. Một trong những cuốn Kỷ yếu đầu tiên được gói kỹ và trao cho một Thượng tọa trong đoàn hành hương.

Thay vì gởi tác phẩm theo hành lý, Thượng tọa đã trân trọng cầm Kỷ Yếu lên máy bay. Chuyến đi được chuẩn bị từ trước. Khi rời Mỹ, giống như nhiều triệu Phật tử Việt Nam khác, Thượng tọa cảm thấy rất nặng lòng. Hòa thượng Tuệ Sỹ vừa viên tịch để lại một nỗi buồn chung trong lòng nhiều triệu Phật tử. Vầng trăng tròn Hạ Nguyên vừa khuất sau rặng Hy Mã Lạp Sơn.

Thượng tọa xuống máy bay nhưng hành lý không xuống. Tất cả đều bị để lại đâu đó trên hành trình dài, ngoại trừ cuốn Kỷ Yếu.

Thượng tọa đã chuẩn bị mọi thứ lễ nghi cúng dường nếu được đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng khi đến nơi thì không có gì cả. Vì thế, khi được phép đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma Thượng tọa chọn dâng lên Ngài cuốn Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay vì mang theo để tiếp tục cuộc hành hương.

Thượng tọa giải thích cho các phụ tá của Đức Đạt Lai Lạt Ma biết bức hình trong trang bìa là Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật Giáo Việt Nam, vừa viên tịch. Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi được các phụ tá bạch lên ngài, đã xúc động nhận món quà cúng dường đầy ý nghĩa.

Ngài có lẽ không đọc được tiếng Việt nhưng khi nhìn ánh mắt tinh anh sâu thẳm của thiền sư Việt Nam trong chiếc áo màu nâu đơn giản Ngài cảm nhận ra được đó là một nhà tư tưởng Phật Giáo lớn, không phải riêng của Phật Giáo Việt Nam thôi mà của Phật giáo thế giới nói chung. Ngài nhận cuốn kỷ yếu và hãnh diện giới thiệu đến chư tăng ni Tây Tạng, Việt Nam và đại chúng đang có mặt để cùng xem hình ảnh một bậc cao tăng vừa viên tịch.

Ngày 30 tháng 11, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi điện phân ưu đến GHPGVNTN trong đó có viết: “Tôi rất đau buồn khi được biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vừa viên tịch ở tuổi 81. Tôi xin dâng lời cầu nguyện lên Cố Hòa Thượng và gửi lời chia buồn đến chư Huynh Đệ Pháp Lữ của Cố Hoà Thượng cũng như đông đảo Phật Tử của Ngài. Tôi được biết rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã tận tụy cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Mặc dù Ngài ấy không còn ở bên cạnh chúng ta nữa; nhưng chúng ta cũng cảm thấy được an ủi rằng Cố Trưởng lão Hòa Thượng đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Cách tốt nhất mà các môn đệ của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng có thể bày tỏ lòng kính trọng đối với Ngài ấy là noi theo tấm gương của Ngài ấy đã cống hiến hết mình để phụng sự tha nhân. Với những lời cầu nguyện chân thành!”

Quyết định dễ thương của Huynh trưởng Tâm Thường Định khi “cung thỉnh Ôn đi hành hương Ấn Độ” và quyết định sáng suốt của vị Thượng tọa chọn dâng Kỷ Yếu lên Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Thế nhưng, sợi tơ nhân duyên giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không hoàn thành từ những khoảnh khắc đó mà đã được đan dệt trong hằng hà sa số kiếp. Cánh hoa Đàm vừa nở trong một lần hạnh ngộ của hai Ngài.

Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ không phải là một tác phẩm lớn về văn chương hay học thuật như nhiều tác phẩm mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được tặng trước đây. Thế nhưng Ngài trân quý bởi vì nhờ chiếc cầu nhân duyên đó mà hai Ngài đã gặp nhau.

Hành trạng của hai bậc đại tăng có nhiều điểm giống nhau. Một người lưu vong trên đất khách 64 năm chưa trở về và một người lưu vong trên chính quê hương mình với một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc.

Dù bản thân hai Ngài chịu đựng biết bao khó khăn thử thách nhưng thay vì gieo rắc hận thù hai Ngài đã dành hết cả đời để hoằng dương Chánh Pháp của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Mỗi Ngài là tác giả của hàng trăm tác phẩm Kinh Luật Luận uyên thâm bên cạnh tình yêu sâu đậm dành cho dân tộc. Tình thương là ngọn nến không bao giờ tàn.

Hôm nay, hai bậc đại tăng, một vị vừa từ giã quê hương Việt Nam ra đi và một vị còn đang sống lưu vong nơi xứ người. Dù không cùng sinh ra trên một đất nước nhưng cùng mang một đại nguyện vô úy cao dày như Hy Mã Lạp Sơn và một tâm từ bi như nước Sông Hằng cuồn cuộn.

Cuối cùng, sông núi gặp nhau.

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
Nguồn: Facebook Trần Trung Đạo – fb.com/trantrungdao  (truy cập: 11/12/2023)

những bài

về Hoà thượng Tuệ Sỹ

Hoài Khanh
Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
xem tiếp đề mục: